Khi đến Trường Tiểu học Pú Bẩu (Sông Mã), hình ảnh chúng tôi khá ấn tượng là từng tốp học sinh hồ hởi tìm đọc các loại sách trong không gian thư viện ngoài trời của nhà trường. “Thư viện xanh” rất giản dị nhưng đã và đang đem các loại kiến thức, tư liệu cần thiết đến với các em học sinh miền núi.
Học sinh Trường Tiểu học Pú Bẩu đọc sách, báo trong “Thư viện xanh”.
“Thư viện xanh” của nhà trường được đặt ở khoảng đất trống nối tiếp giữa nhà hiệu bộ và khu lớp học, chỉ vẻn vẹn 10 bàn trong diện tích 22 m2, khởi công xây dựng từ mùa hè năm học 2015-2016. Thầy giáo Thào Bả Công, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Công trình được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa và một phần kinh phí hoạt động thường xuyên. Ở đây nhân dân còn nghèo lắm, phụ huynh không có tiền để đóng góp đâu, nên chúng tôi đã vận động nguồn hỗ trợ từ cán bộ xã, bản và chính anh chị em giáo viên trong nhà trường. Sau khi gom góp được gần 15 triệu đồng hỗ trợ, nhà trường mua nguyên vật liệu, thuê thợ đóng 2 giá sách (cao 2 mét, rộng 35 cm, dài 2 mét), hơn 20 m2 mái tôn, in khẩu hiệu trang trí, biển tên. Còn những việc như đào đất, san nền thì các thầy giáo, cô giáo xắn tay nhau cùng làm.
Qua quan sát, chúng tôi thấy thư viện ngoài trời này hiện mới chỉ có gần 10 đầu sách gồm sách tham khảo, sách nâng cao, truyện tranh, cùng các loại báo Thiếu nhi dân tộc, báo Măng Non... tất cả chủ yếu được cấp từ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, một phần do các thầy, cô giáo mang đến. Hằng tháng, cán bộ thư viện cố gắng đổi báo đều đặn, bổ sung thêm sách, báo để các em được cập nhật thêm thông tin mới. Bởi học sinh chủ yếu là người dân tộc, vốn tiếng Việt chưa nhiều, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên thường xuyên đưa các em đến “Thư viện xanh” đọc sách, báo, tạp chí để tăng khả năng nghe, đọc, viết ngoài các giờ học chính khóa, phụ đạo trên lớp. Thầy giáo Đèo Văn Thiệt, cán bộ phụ trách thư viện rất vui: Khi chưa có “Thư viện xanh”, học sinh ít đọc sách, báo lắm. Bây giờ, các em ra đây thường xuyên hơn. Ngoài các giờ học trên lớp, thời gian học ở trường, các em học sinh nhà gần, hoặc ở bán trú tại trường đều tới đây để đọc báo, đọc truyện, xem tranh... nhờ đó các em có thêm nhiều thông tin bổ ích, nâng cao vốn tiếng Việt.
Sau hơn 1 năm hoạt động, “Thư viện xanh” đã góp phần nâng cao chất lượng học tập, duy trì sỹ số lớp học. Năm học 2016 - 2017, toàn trường có trên 97% số học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học, trên 94% số học sinh đạt đủ năng lực và phẩm chất, không có học sinh bỏ học, nghỉ học không có lý do. Đây là niềm vui, cũng là nguồn động viên to lớn để các thầy, cô tiếp tục “bám trường, bám lớp” ở vùng cao Pú Bẩu. “Thư viện xanh” nằm trong sân trường, lại có không gian mở, thoáng đãng, có thể đọc bất cứ lúc nào nên được nhiều bạn nhỏ thích thú, thường xuyên vào đọc sách, báo, tìm hiểu thông tin. Em Vừ A Hoàng, học sinh lớp 4A vui vẻ: Em thích “thư viện xanh” lắm. Ngày nào, ra chơi, em hay đọc báo Thiếu nhi dân tộc, em thích nhất là mục các tấm gương học tập tốt, em sẽ cố gắng đi học đầy đủ, học thật giỏi và ước muốn sau này trở thành bác sỹ, chữa bệnh cho mọi người. Em muốn sẽ có thêm nhiều sách báo, truyện mới để học hỏi được nhiều hơn.
Hình ảnh các em học sinh nhỏ bé chăm chú đọc từng trang sách trong không gian “Thư viện xanh” khang trang, sạch đẹp để lại dấu ấn đẹp trong chúng tôi khi rời Pú Bẩu. Hình thức thư viện gần gũi này đã và đang góp phần đem kiến thức mọi mặt, bổ sung thêm cho trẻ em vùng cao. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đồng hành của những trang sách, các em sẽ học tập thật tốt, thực hiện được ước mơ của mình.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!