Quan trắc môi trường gắn với camera giám sát chế biến nông sản

Sản xuất, chế biến nông sản hằng năm, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, nhưng cũng đặt ra áp lực không nhỏ đối với môi trường. Phóng viên Báo Sơn La đã phỏng vấn đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đố Sở Tài nguyên và Môi trường về giải pháp quan trắc môi trường gắn camera giám sát chế biến nông sản.

Giọng nữ
Đoàn kiểm tra giám sát tại nhà máy chế biến của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La.

 Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thực trạng công tác quản lý nhà nước lĩnh vực môi trường trong chế biến nông sản của tỉnh?

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng: Niên vụ chế biến nông sản tỉnh Sơn La thường bắt đầu tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến cà phê, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy mía đường, quy mô tập trung, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra, tại huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố còn có một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, như: HTX Cà phê Bích Thao Sơn La, công suất chế biến 1.000 tấn cà phê quả tươi/năm; HTX Cà phê Đào Chiềng Ban, công suất chế biến 1.500 tấn cà phê quả tươi/năm; HTX Aratay - Coffee; HTX chè, cà phê Avina...

Hiện nay, sản lượng quả cà phê tươi đưa vào chế biến tại các cơ sở chế biến cà phê có đầy đủ thủ tục pháp lý, hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt chuẩn, có khoảng 35% sản lượng quả tươi. Còn lại, phần lớn chế biến tại các hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý chất thải.

Hằng năm, trong vụ sản xuất cà phê, còn xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí do mùi và nguồn nước thải, vỏ bã cà phê. Các địa phương hay bị xảy ra ô nhiễm, gồm: Xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, huyện Mai Sơn.

Nhà máy chế biến của Công ty cổ phần mía đường Sơn La.

Phóng viên: Đồng chí cho biết những cơ sở quy mô chế biến nào bắt buộc phải lắp thiết bị quan trắc? Việc lắp đặt quan trắc giúp cơ quan chức năng giám sát như thế nào?

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng: Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tỉnh Sơn La có 2 cơ sở nông sản thuộc đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục là Nhà máy tinh bột sắn Sơn La và Nhà máy chế biến nông sản BHL Sơn La tại huyện Mai Sơn. Ngoài ra, Nhà máy Mía đường Sơn La không thuộc đối tượng theo quy định, tuy nhiên đơn vị đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục.

Theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ, thời gian hoàn thành hệ thống quan trắc tự động, liên tục và kết nối truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất là ngày 31/12/2024. Hiện nay, Nhà máy tinh bột sắn Sơn La hoàn thành việc lắp đặt và truyền số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường với các thông số lưu lượng đầu vào, đầu ra, nhiệt độ, pH, COD, TSS, Tổng Nitơ, Tổng Xianua.

Đối với Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La, đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục gồm thông số: Lưu lượng đầu vào, lưu lượng đầu ra, nhiệt độ, pH, COD, TSS, tổng nitơ, tổng xianua của Nhà máy chế biến. Công ty cổ phần mía đường Sơn La triển khai lắp đặt 2 hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục gồm thông số: Lưu lượng, Áp suất, nhiệt độ, O2, bụi tổng, SO2, NOx và CO). Tuy nhiên, 2 cơ sở chưa truyền số liệu chính thức về Sở Tài nguyên và Môi trường. 

Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục, giúp tăng cường quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước đối với việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải của cơ sở, đảm bảo chất thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và cung cấp đầy đủ thông tin cho công tác quản lý Nhà nước về giám sát, cập nhật dữ liệu môi trường liên tục, đầy đủ.

Công ty cổ phần mía đường Sơn La lắp đặt camera giám sát khu vực xử lý nước thải.

Phóng viên: Việc lắp đặt camera được triển khai như thế nào và đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước giám sát hoạt động của các nhà máy chế biến nông sản, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng: Tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Từ niên vụ 2020-2021, yêu cầu tất cả các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung thực hiện lắp đặt camera hệ thống xử lý chất thải. Đến nay, 7 cơ sở chế biến quy mô tập trung đã lắp đặt đầy đủ camera tại vị trí hệ thống xử lý chất thải thải, các hồ lưu chứa nước thải và cài đặt phần mềm xem camera trên máy tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện. Đồng thời, từ niên vụ 2021-2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện yêu cầu các cơ sở hoạt động chế biến nông sản phải lắp đặt hệ thống camera giám sát tại hệ thống xử lý chất thải, truyền dữ liệu về phòng Tài nguyên và Môi trường để thực hiện giám sát.

Thông qua hệ thống camera, cơ quan quản lý Nhà nước có thể quan sát, theo dõi sát sao quy trình sản xuất, việc vận hành xử lý nước thải. Ngoài ra, camera còn kết nối trên điện thoại thông minh của lãnh đạo, chuyên viên Sở TN&MT, UBND cấp huyện. Toàn bộ camera giám sát do các nhà máy chế biến nông sản bỏ kinh phí đầu tư, lắp đặt. Sở TN&MT, UBND cấp huyện là đơn vị thực hiện theo dõi giám sát thường xuyên trong niên vụ sản xuất, quá trình thực hiện nếu có dấu hiệu bất thường, sẽ phát hiện, nhắc nhở các cơ sở, kịp thời triển khai các giải pháp khắc phục, xử lý. Camera giám sát còn là công cụ hỗ trợ truy tìm nguyên nhân, sự cố, gây ô nhiễm môi trường nhanh chóng, giảm đáng kể thời gian, số lần phải đi kiểm tra, giám sát trực tiếp, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Việc lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động liên tục và hệ thống camera giám sát tại các khu vực xử lý chất thải là một giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý Nhà nước, phù hợp tinh thần điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, Chi nhánh Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những giải pháp trọng tâm của tỉnh để nắm chắc, quản chặt việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản?

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng:  Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước trong niên vụ nông sản vẫn đối diện nhiều thách thức. Để khắc phục các tồn tại, tỉnh Sơn La xác định: Phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong sản xuất, chế biến nông sản quy mô lớn, đổi mới công nghệ chế biến, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải, góp phần nâng cao chất lượng chế biến nông sản gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các cơ sở chế biến nông sản.

Sở TN&MT tiếp tục triển khai hiệu quả việc quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường. Duy trì các tổ kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở có xả nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, chế biến nông sản chưa được xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế, huyện Thuận Châu lắp đặt camera giám sát.

Đồng thời, kiến nghị các sở, ngành chức năng nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư hoạt động chế biến nông sản quy mô tập trung có công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Công an tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp trinh sát phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản, trường hợp đủ cơ sở chuyển vụ việc xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường trách nhiệm trong quản lý, đôn đốc, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở chế biến nông sản không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; kiểm điểm đối với người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn, Chủ tịch UBND cấp xã, nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quyết liệt của tỉnh, trong đó có giải pháp lắp đặt camera giám sát hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản quy mô tập trung, cùng với phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đang được hoàn thiện, đưa toàn bộ các cơ sở sơ chế, chế biến vào hoạt động tại các khu và cụm công nghiệp... là giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ môi trường.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới