Bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản

Phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nguồn nước trước và trong hoạt động chế biến nông sản, hằng năm, tỉnh Sơn La triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ sở chế biến trong thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Giọng nữ

Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La lắp đặt camera giám sát.

Niên vụ chế biến nông sản của tỉnh Sơn La thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Toàn tỉnh hiện có 8 nhà máy chế biến quy mô tập trung, gồm: 5 nhà máy cà phê; 2 nhà máy tinh bột sắn; 1 nhà máy mía đường. Trong đó, 5 nhà máy cà phê có công suất khoảng 102.000 tấn/năm, đáp ứng hơn 30% sản lượng cà phê toàn tỉnh. Ngoài ra, các huyện Thuận Châu, Mai Sơn còn một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ đáp ứng các yêu cầu sản xuất, với công suất trung bình 300-500 tấn/năm.

Từ năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu tổ chức Chương trình ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường; tổ chức ký cam kết tăng cường vai trò, trách nhiệm với Trưởng phòng TN&MT các huyện, thành phố trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở chế biến nông sản thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động sản xuất.

Huyện Mai Sơn tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản.

Tại huyện Mai Sơn có 6 nhà máy chế biến nông sản, gồm: 2 Nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy chế biến đường, 2 nhà máy chế biến cà phê và 1 Trung tâm chế biến rau quả và 132 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình thuộc 7 xã đăng ký thu mua, sơ chế cà phê niên vụ 2024-2025.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện Mai Sơn tổ chức hội nghị triển khai quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê niên vụ 2024 - 2025; ký cam kết giữa các hộ sơ chế với Chủ tịch UBND xã về bảo vệ môi trường, nguồn nước. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, cập nhật danh sách các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sơ chế nông sản; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở.

Lãnh đạo huyện Mai Sơn kiểm tra cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn.

Còn tại huyện Thuận Châu, UBND huyện giao Tổ công tác của huyện kiểm tra, giám sát việc dừng các hoạt động thu mua, chế biến cà phê tươi tại Xưởng chế biến cà phê bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế bắt đầu từ niên vụ 2024-2025. Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình hoạt động, chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sơ chế cà phê niên vụ 2024-2025 trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi các kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến nông sản trên các trang mạng xã hội, kịp thời xác minh, xử lý thông tin. Đồng thời, tổ chức ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa chủ cơ sở với Trưởng phòng TN&MT huyện. Giao UBND các xã, thị trấn đôn đốc, yêu cầu các cơ sở lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, truyền dữ liệu về Phòng TN&MT để theo dõi, giám sát.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Đảm bảo các cơ sở chế biến nông sản chấp hành các quy định về bản vệ môi trường, tỉnh Sơn La phân cấp Sở TN&MT quản lý các cơ sở chế biến quy mô tập trung; UBND cấp huyện, xã quản lý các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình. Duy trì Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung; mỗi tổ chia thành 3 đoàn giám sát, thường xuyên đánh giá hiện trạng các công trình xử lý chất thải, nước thải, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đảm bảo các cơ sở hoạt động đúng quy định. Cùng với việc kiểm tra, giám sát trực tiếp, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh giám sát trực tuyến, liên tục qua hệ thống quan trắc tự động, camera giám sát truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật giám sát. Hoạt động giám sát thực hiện định kỳ, đột xuất, từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 năm sau.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, qua 2 niên vụ sản xuất gần đây, các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm tra, giám sát. Đối với các cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, nhất là các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố quyết liệt kiểm tra, giám sát, không để phát sinh các cơ sở tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước trong niên vụ nông sản còn đối diện thách thức, như phần lớn nông sản vẫn đang chế biến tại các cơ sở nhỏ, hộ gia đình, không có hệ thống thu gom xử lý chất thải đạt quy chuẩn. Dẫn đến, hằng năm, còn diễn ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn một số xã huyện Mai Sơn.

Bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản, Sở TN&M tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường; duy trì các tổ công tác giám sát các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung; duy trì kiểm tra, giám sát trực tiếp và trực tuyến, không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới