Sau hơn 10 năm rời quê gốc Mường Chiên (Quỳnh Nhai) về tái định cư ở bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha (Thuận Châu), bà con tái định cư thủy điện Sơn La đã xây dựng quê mới ngày càng phát triển, với những vườn chanh leo, cam, mận, thanh long trĩu quả, ngày càng xuất hiện những cách làm hay, mô hình mới trong phát triển kinh tế.
Người dân bản Quỳnh Thuận phát triển cây ăn quả, đem lại thu nhập ổn định.
Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của bản, anh Hoàng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ bản Quỳnh Thuận, nhớ lại: Tháng 12/2007, thực hiện chương trình di chuyển dân phục vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, 30 hộ dân bản Nghe Tỏng, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) đã chuyển về đây tái định cư. Tên bản được ghép tên của hai huyện Quỳnh Nhai và Thuận Châu thành bản Quỳnh Thuận. Ngay sau khi được Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, ổn định nơi ở, Chi bộ, Ban Quản lý bản Quỳnh Thuận đã họp bàn để đưa ra phương thức sản xuất, lựa chọn cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất để đưa vào phát triển. Đặc biệt, từ khi tỉnh, huyện có chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, được sự tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ huyện và xã, người dân trong bản đã trồng thành công một số loại cây trồng, như: Cam, mận, đào, quýt, thanh long, chanh leo... Tự hào khi nói về cuộc sống hiện tại trên quê mới, anh Thắng, chia sẻ: Xác định vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, trong phát triển kinh tế, đảng viên trong chi bộ tiên phong đưa cây trồng mới vào trồng thử nghiệm, nếu có hiệu quả thì sẽ hướng dẫn bà con nhân rộng. Hiện, toàn bản đã trồng được 5 ha chanh leo, 7 ha sa nhân, 8 ha thanh long, ngoài ra còn một số diện tích trồng cam, mận, đào, quýt xen canh, đời sống người dân giờ khá hơn rất nhiều, ở bản giờ có đến cả chục hộ có mức thu nhập bình quân từ 200-500 triệu đồng/năm.
Gia đình chị Hoàng Thị Thảo là hộ tiên phong đưa cây ăn quả về trồng ở bản, chị Thảo chia sẻ: Trong một lần đến thăm quan mô hình trồng cam ở xã Chiềng Ban (Mai Sơn), tôi đã quyết định học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc và mua cây giống về trồng. Sau 3 năm trồng, 5.000 gốc cam đã cho thu hoạch, giá bán bình quân 25.000 – 30.000 đồng/kg, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng ngô, sắn. Gia đình tôi hiện có 5 ha cây cam, cà phê, sa nhân trồng xen canh, mỗi năm thu lợi khoảng 400 triệu đồng từ cây ăn quả.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình chị Thảo còn sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel cho vườn cam và cà phê, giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công, rút ngắn thời gian bón phân cho cây và tiết kiệm nước tưới. Bên cạnh đó, chị ưu tiên dùng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để sử dụng cho cây nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ mô hình cây ăn quả tổng hợp của gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 3 lao động địa phương với mức công từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, vào mùa cao điểm có đến cả chục nhân công chăm sóc, thu hái quả.
Gia đình chị Lò Thị Dưng cũng là một trong số những triệu phú từ cây ăn quả. Chị Dưng cho hay: Toàn bộ diện 6.000 m² trồng lanh long ruột đỏ của gia đình chị thực hiện liên kết với HTX Ngọc Hoàng (huyện Mai Sơn) từ khâu cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm, nhờ đó mà cây thanh long của gia đình chị phát triển tốt, cho quả đều và ngọt. Gia đình còn trồng thêm 1 ha cam giống V2 và gần 1 ha chanh leo, mỗi năm thu lợi trên 300 triệu đồng, đây là số tiền mà chưa bao giờ ở quê cũ Mường Chiên (Quỳnh Nhai) nghĩ tới.
Theo anh Hoàng Văn Thắng, Bí thư Chi bộ bản Quỳnh Thuận: Cán bộ, đảng viên trong bản luôn phát huy vai trò gương mẫu, thường xuyên vận động các thành viên trong gia đình và các hộ gia đình trong bản thực hành tiết kiệm, tích cực học tập, lao động sản xuất, sử dụng vốn vay có hiệu quả, áp dụng khoa học, kỹ thuật, phân công lao động hợp lý để vừa có thời gian tăng gia sản xuất, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động của địa phương. Thời gian tới, bản Quỳnh Thuận sẽ tư vấn, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bản đưa cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao vào trồng, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, bản không còn hộ nghèo.
Chia tay bản TĐC Quỳnh Thuận, cảm nhận về cuộc sống của người dân ngày càng sung túc hơn. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự năng động, sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất của người dân, cuộc sống của bà con ngày càng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, góp phần xây dựng bản làng giàu đẹp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!