Tưng bừng lễ hội trên sông Đà

Quỳnh Nhai, núi non hùng vĩ, hồ sông Đà rộng mênh mang, lung linh sóng nước. Bao đời nay, người dân Quỳnh Nhai gắn bó với miền quê sông nước, cần cù lao động sản xuất, giàu lòng mến khách. Quỳnh Nhai còn được biết đến bởi những nét văn hóa truyền thống độc đáo, những lễ hội đặc sắc, những làn điệu dân ca trữ tình... Tất cả đang gợi mở một tiềm năng du lịch, mời gọi du khách đến với miền quê vùng sông nước Quỳnh Nhai.

Hội đua thuyền truyền thống trên sông Đà.

 

Đã trở thành thông lệ, cứ vào những ngày đầu xuân mới, huyện Quỳnh Nhai lại tổ chức Tuần văn hóa, thể thao và du lịch. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo và có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Quỳnh Nhai.

Tuần văn hóa, thể thao và du lịch năm nay, huyện Quỳnh Nhai tổ chức với quy mô lớn, với nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, thu hút hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Điểm nổi bật tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2019, ngay trong Lễ khai mạc, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố và trao Giấy chứng nhận chứng nhận nhãn hiệu Cá sông Đà - Cá tầm Sơn La cho tỉnh ta. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” cho sản phẩm cá lòng hồ sông Đà tỉnh Sơn La cho 10 HTX và 1 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La. Đây là sự kiện quan trọng đối với lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh thủy sản, là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá sông Đà.

Lãnh đạo Cục sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận Nhãn hiệu Cá sông Đà - Cá tầm Sơn La cho tỉnh ta.

Trong không khí tưng bừng của Lễ hội, ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban tổ chức Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Quỳnh Nhai năm 2019 thông tin nhanh: Hoạt động này nhằm khơi dậy, bảo tồn, phát huy và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc Quỳnh Nhai với bạn bè trong nước và quốc tế.

Tham gia Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Quỳnh Nhai năm 2019, du khách được hòa mình vào không khí sôi động của ngày hội đua thuyền trên sông Đà, trải nghiệm bắt cá suối Lu, du lịch trên lòng hồ, tham quan Hội chợ cá sông Đà, khám phá những danh lam thắng cảnh và tham gia vào các cuộc thi kéo co, đẩy gậy, tung còn, thưởng thức những món ẩm thực đặc sắc của đồng bào vùng sông nước, trải nghiệm các phiên chợ vùng cao và dâng nén hương thơm tại khu tâm linh Đền Linh sơn Thủy từ và Đền Nàng Han...

Chương trình nghệ thuật “Quỳnh Nhai đổi mới” tại Lễ khai mạc.

Tuần văn hóa, thể thao và du lịch còn có sự tham gia của 11 trại văn hóa - sản phẩm nông sản đặc trưng của 11 xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, đã thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan. Tại đây, ngoài giới thiệu những sản phẩm kinh tế - văn hóa đặc sắc của địa phương, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, mỗi xã đã mang đến sản phẩm nổi bật nhất của địa phương mình. Trong đó, xã Mường Chiên với sản phẩm thổ cẩm do người dân trồng bông, kéo sợi và dệt vải; xã Cà Nàng giới thiệu gạo nếp cẩm “khảu lếch” trồng ở bản Ít Pháy, hạt to, dẻo, thơm; xã Cà Nàng lại có sản phẩm rượu thóc êm dịu nấu bằng men lá; xã Mường Giôn có sản phẩm trứng vịt cổ xanh; gạo nếp tan bản Hán của xã Chiềng Khoang; rượu cần men lá có vị ngọt, thơm đặc trưng của xã Chiềng Ơn; xã Nặm Ét có tinh bột nghệ đỏ do người dân tự trồng và chế biến; Chiềng Bằng lại có sản phẩm nước mắm làm bằng cá đánh bắt ngay trên lòng hồ sông Đà; xã Mường Sại với sản phẩm rượu ngô bao tử; xã vùng cao Chiềng Khay lại có sản phẩm su su sạch và gạo tẻ Xịa liệm.

Tại Hội chợ cá sông Đà, các HTX lại có cơ hội giới thiệu các loại cá nuôi trên lòng hồ đã được cấp chứng nhận VietGAP, như cá trắm thường, trắm đen, chép, diêu hồng, cá nheo, cá lăng... Những con cá trắm, cá nheo đen trũi, nặng 5-7 kg và cá lăng được nhiều người đặt mua cho vào thùng sốp, đóng đá để chuyển đi xa. Vừa nhận đơn đặt hàng, hướng dẫn nhân viên đóng cá cho khách, anh Lừ Văn Tuyên, Giám đốc HTX DVTM Thương Tuyên (Quỳnh Nhai) cho biết: HTX vừa được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” cho các loại cá nuôi trên lòng hồ sông Đà, đây sẽ là điều kiện quan trọng để sản phẩm của HTX mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh.

Trong sự náo nhiệt của Lễ hội, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người con của Quỳnh Nhai vì dòng điện của Tổ quốc đi TĐC ở các địa phương trở về quê cũ, gặp lại người thân, bạn bè gặp nhau tay bắt, mặt mừng, rộn ràng lời chúc mừng năm mới, khoe với nhau một năm qua làm ăn phát đạt. Anh Lò Văn Hội, trước đây ở bản Mứn, xã Pha Khinh, năm 2007 gia đình chuyển đến TĐC ở bản Sơn Pha, xã Cò Nòi (Mai Sơn), chia sẻ: Năm nào, tôi cũng cho cả gia đình về tham gia Lễ hội, trở về quê cũ, thấy cuộc sống của bà con phát triển, những nét văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy và giới thiệu rộng rãi với bạn bè, du khách, chúng tôi thực sự phấn khởi.

Chị Nguyễn Thanh Hà, du khách Hà Nội lần đầu đến với Quỳnh Nhai, vừa trải nghiệm tour du lịch lòng hồ sông Đà dường như vẫn còn chưa tin vào những gì vừa được tận mắt nhìn thấy: Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên vùng sông nước, bất ngờ với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao nơi đây.

 

Cũng như mọi năm, sôi nổi, hào hứng và hấp dẫn nhất vẫn là hội đua thuyền trên sông Đà. Từ bao đời nay, bà con các dân tộc huyện Quỳnh Nhai sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, đánh bắt thủy hải sản trên sông Đà, nên việc chèo thuyền đã trở thành những kỹ năng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Mỗi độ xuân về, bà con lại tổ chức đua thuyền giữa các bản, dần dần trở thành lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương, thể hiện sự kiên cường, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân miền sông nước. Trong làn sương sớm, từng đoàn người tấp nập đổ về bến Pá Uôn. Cầu Pá Uôn - cây cầu cao nhất Đông Nam Á sừng sững, nối nhịp đôi bờ sông Đà, trở thành nơi tụ hội của hàng nghìn người đến xem, cổ vũ, hồ nước trong xanh gợn sóng, tiếng trống thúc dục, âm vang cả một vùng. Hơn 400 VĐV nam, nữ đến từ các xã trong huyện và một số huyện của các tỉnh bạn; đặc biệt, lễ hội đua thuyền năm nay lần đầu tiên có sự tham gia của đoàn VĐV tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Những chàng trai, cô gái, hằng ngày vốn cần cù lao động, hôm nay lại rất khéo léo, mạnh mẽ trên đường đua. Những mái chèo khua nhịp nhàng, khỏe khoắn theo tiếng hô của người đội trưởng cầm lái, bọt nước tung trắng xóa, những chiếc thuyền đuôi én lao vun vút, các đội thi đấu hết mình, cống hiến cho khán giả những pha rượt đuổi, chạy nước rút đầy ngoạn mục, trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả. Anh Sổm Phết In Tha Sỏn, Trưởng đoàn VĐV tỉnh Hủa Phăn phấn khởi nói: “Lần đầu tiên sang tham gia Lễ hội đua thuyền, chúng tôi được các bạn đón tiếp nhiệt tình, chu đáo, ai cũng hào hứng quyết tâm thi đấu giành thành tích cao”. Còn VĐV Lò Thị Cấu, đội nữ xã Chiềng Bằng cho biết: Năm 2018, đội giành giải nhất nội dung đua thuyền 10 VĐV nữ, năm nay cả đội quyết tâm giữ được thành tích đó.

Tuần văn hóa - thể thao và du lịch Quỳnh Nhai là dịp quảng bá về vùng đất, con người Quỳnh Nhai, là cơ hội để huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, từng bước hình thành và phát triển Quỳnh Nhai trở thành huyện trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; đồng thời, động viên tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Tuần văn hóa - thể thao và du lịch Quỳnh Nhai năm 2019 đã thực sự tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng du khách.

Thi ẩm thực dân tộc và trải nghiệm bắt cá suối Lu tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2019.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới