Túi thuốc y tế bản

Trước đây, khi gia đình có người bị tiêu chảy, nhức đầu, hay cảm cúm, chúng tôi phải vượt 3 quả đồi, 2 thung lũng để về Trạm Y tế xã nhận thuốc. Nhưng từ khi có túi thuốc y tế bản, chúng tôi không phải trèo đèo lội suối để có viên thuốc chữa bệnh. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ túi thuốc cho bản chúng tôi. Bà Lò Thị Sáy, ở bản Sản, xã Chiềng Khoang, Quỳnh Nhai, năm nay gần 80 tuổi chia sẻ như vậy khi được nhận thuốc chữa các bệnh thông thường từ nhân viên y tế bản.

Nhân viên y tế bản Sản đến từng hộ dân phát thuốc.

Trong chuyến công tác tại huyện Quỳnh Nhai hồi đầu tháng 3, chúng tôi được nghe câu chuyện Trung tâm Y tế huyện tổ chức các phương pháp chăm sóc sức khỏe nhân dân các bản vùng khó khăn trên địa bàn huyện; trong đó, điểm nhấn là tác dụng của túi thuốc y tế bản. Theo bác sỹ Vũ Duy Khang, Giám đốc Trung tâm thì túi thuốc đã giúp người dân các bản đặc biệt khó khăn không phải vượt hàng chục km đường đồi dốc để về Trạm Y tế xã nhận thuốc chữa các bệnh thông thường, lại giúp bà con biết cách phòng bệnh thông qua những việc nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày, đó là ăn ở hợp vệ sinh, không nuôi trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở... Đặc biệt, đẩy lùi tình trạng khi mắc bệnh là mời thầy mo về “cúng ma đuổi bệnh”, để đến nỗi cúng nhiều ngày mà “tiền mất, người mất”...

Mong muốn hiểu rõ hơn về hiệu quả của túi thuốc y tế bản, chúng tôi liền về bản Sản (xã Chiềng Khoang), một trong 47 bản của huyện được hỗ trợ túi thuốc y tế. Nếu tính điểm xuất phát thì từ Trạm Y tế xã Chiềng Khoang đến bản Sản thì tuyến đường dài khoảng 8 km; chúng tôi đi xe máy mất chừng 40 phút leo qua mấy cái dốc đứng, một bên vách núi cao, một bên là vực, liên tục có các cua tay áo... Tôi thầm nghĩ, không chỉ đời sống còn nhiều khó khăn mà khi mắc bệnh phải đi Bệnh viện hoặc về Trạm Y tế xã là rất vất vả. Và, nếu như không được hỗ trợ túi thuốc y tế tại bản phải về nhận thuốc ở trạm y tế xã thì có khi mang được thuốc về nhà bệnh đã trầm trọng hơn nhiều. Vậy mà, 2 người bạn đồng hành với chúng tôi là cán bộ Trung tâm Y tế huyện và cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Khoang lại nói, đường đi bây giờ đã tốt hơn nhiều lần so với cách đây mấy tháng, bởi bây giờ nhiều đoạn đã được đổ bê tông, còn trước kia toàn bộ tuyến đường là con đường mòn, trời nắng cũng như trời mưa đều rất khó đi.

Điểm dừng chân của chúng tôi là gia đình anh Lò Văn Loan, nhân viên y tế bản Sản, phụ trách túi thuốc y tế của bản. Như để khoe với phóng viên về cơ số thuốc được hỗ trợ theo tiêu chuẩn của bản đặc biệt khó khăn, anh Loan đã giới thiệu từng loại thuốc: Kháng sinh, Paracetamol dùng giảm đau; Berberin, chữa tiêu chảy; thuốc cảm cúm 4 mùa; băng cuộn; bông thấm vô khuẩn... Chợt anh Loan trầm giọng: Trước đây, ở bản đã có trường hợp mắc bệnh, nhưng do tập quán lạc hậu, dân trí hạn chế, ít được tiếp cận với công tác y tế, nên cho rằng viên thuốc bé tý tẹo như thế làm sao khỏi được bệnh, gia đình mời thầy mo về “cúng ma đuổi bệnh”, cúng mãi không khỏi nên tiền mất mà người cũng mất. Vì vậy, thời gian đầu có túi thuốc y tế, tôi đã đến từng gia đình trong bản để giải thích cho bà con hiểu về công dụng của việc dùng thuốc chữa bệnh, lấy dẫn chứng những gia đình “cúng ma đuổi bệnh” mất trâu, mất bò, mất lợn mà bệnh không khỏi để so sánh với việc dùng thuốc chữa bệnh. Nét mặt và giọng  nói của anh Loan thay đổi hẳn khi nói về hiệu quả của túi thuốc: Có túi thuốc y tế bản không chỉ giúp bà con trong bản được cấp thuốc chữa các bệnh thông thường tại bản, không mất nhiều thời gian và công đi lại vất vả để về trạm y tế xã nhận thuốc, mà điều mừng hơn hết là, người dân trong bản hiểu hơn về công tác y tế,  ở bản bây giờ không còn tình trạng “cúng ma đuổi bệnh” nữa, khi ốm, lúc mắc bệnh đều đến nhân viên y tế bản để được tư vấn uống thuốc hoặc tư vấn đi điều trị tại các cơ sở y tế.

Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng do anh Loan có cuộc điện thoại. Nghe anh nói chuyện điện thoại, vì không thạo tiếng dân tộc nên tôi chỉ hiểu nôm na là có người bị đau bụng tiêu chảy cần được uống thuốc và cần được tư vấn. Vậy là, chúng tôi cùng lên đường đến gia đình người bệnh. Trên đường đi anh Loan nói: Bà Lò Thị Sáy, gần 80 tuổi, bị đau bụng tiêu chảy, người nhà đã cho ăn lá búp ổi nhưng không cầm, gọi điện xin thuốc và muốn tôi đến nhà xem có cần đưa đến trạm y tế xã không. Nhà bà Sáy ở giữa bản, khi chúng tôi đến, con trai, con dâu bà đều có ở nhà. Anh Loan hỏi tỷ mỷ tình hình mắc bệnh của bà Sáy và hướng dẫn người nhà cho bà uống số lượng viên thuốc một lần, thời gian uống, đồng thời nhắc đi nhắc lại rằng, nếu như bà Sáy không đỡ thì báo ngay để có hướng xử lý kịp thời. Trò chuyện với bà Sáy về việc được nhận thuốc từ nhân viên y tế bản, bà Sáy cảm động: Trước đây, khi gia đình có người bị tiêu chảy, nhức đầu, hay cảm cúm, chúng tôi phải đi qua 3 quả đồi, 2 thung lũng về trạm y tế  xã nhận thuốc. Nhưng từ khi có túi thuốc y tế bản, chúng tôi không phải quá vất vả để có viên thuốc nữa. Cảm ơn Đảng đã quan tâm hỗ trợ túi thuốc cho bản chúng tôi.

Trở về Trung tâm Y tế huyện, tiếp tục câu chuyện về chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng khó khăn liên quan đến nghị quyết đi vào lòng dân. Đó là Nghị quyết số 38/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 về chính sách hỗ trợ túi thuốc y tế cho các bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XIV, Kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất. Nội dung Nghị quyết ghi rõ mức hỗ trợ đối với từng bản đặc biệt khó khăn căn cứ số hộ dân sinh sống trong bản, túi thuốc được hỗ trợ trị giá từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Theo đó, huyện Quỳnh Nhai có 47 bản được hỗ trợ túi thuốc, gồm: 2 túi trị giá 3 triệu đồng/túi; 6 túi trị giá 2,5 triệu đồng/túi; 13 túi trị giá 2 triệu đồng/túi và 26 túi, trị giá 1,5 triệu đồng/túi. Từ số tiền được hỗ trợ này, ngành Y tế tỉnh đã trang bị thuốc, vật tư y tế của túi thuốc gồm 15 danh mục để chữa trị các bệnh thông thường. Bác sỹ Khang cho rằng, hiệu quả nổi bật nhất của túi thuốc y tế bản là nâng cao nhận thức về công tác y tế cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, xóa bỏ được hủ tục lạc hậu “cúng ma đuổi bệnh” và người dân biết cách phòng dịch bệnh từ những hoạt động hằng ngày. Để đạt được kết quả này, không chỉ có sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế trong toàn huyện mà còn có sự chỉ đạo sát sao của huyện, sự vào cuộc của chính quyền địa phương các xã, ban quản lý các bản được hỗ trợ túi thuốc trong việc phối hợp tuyên truyền, giải thích cho người dân về công tác y tế, về tác dụng của việc chữa bệnh bằng thuốc tân dược cũng như cách vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày để phòng bệnh... Điều ghi nhận là, tuy tiền thù lao không nhiều, nhưng đội ngũ nhân viên y tế bản đảm nhận phụ trách túi thuốc luôn rất nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao, với 100% nhân viên y tế bản được bồi dưỡng nghiệp vụ 6 tháng hoặc có trình độ trung cấp y. Hơn ai hết, họ hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn của người dân trong bản, nên dù ngày hay đêm khi có người báo cần có thuốc uống hoặc cần được tư vấn là họ đều có mặt, bởi họ luôn mong muốn chất lượng cuộc sống của người dân trong bản được nâng lên...

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã Chiềng Khoang

và nhân viên y tế bản Sản tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác y tế cho người dân.

Qua câu chuyện và được trải nghiệm thực tế tại cơ sở, chúng tôi thêm hiểu về những công việc của cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Nhai. Họ đã bám sát cơ sở để rà soát nhu cầu của người dân về những loại thuốc cần thiết để đề xuất với ngành Y tế tỉnh cấp cơ số thuốc sát với nhu cầu thực tế. Đồng thời, kiểm tra việc sử dụng túi thuốc tại các bản, tránh việc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Cùng với đó, phối hợp với cán bộ trạm y tế các xã hướng dẫn nhân viên y tế bản về công dụng, cách sử dụng từng loại thuốc. Nội dung này còn được lồng ghép trong các cuộc giao ban với nhân viên y tế bản, hoặc trong các đợt tiêm chủng mở rộng được tổ chức tại xã và cụm bản, giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn để chẩn đoán cấp thuốc và tư vấn cho người bệnh tại cơ sở. Chúng tôi cũng đồng cảm với mong muốn của cán bộ y tế, đó là nâng mức hỗ trợ trị giá tiền của túi thuốc, do cơ số thuốc hiện nay chưa đáp ứng với nhu cầu người dân. Đối với ngành Y tế, cần điều chỉnh danh mục trong túi thuốc, vì có loại thuốc khi phát người dân không sử dụng dẫn đến lãng phí, đơn cử như thuốc Oresol sử dụng để bù nước khi bị tiêu chảy từ nhẹ đến vừa; tăng các loại thuốc cần nhiều hơn đó là thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, kháng sinh... Một số bản trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn cũng mong muốn được hỗ trợ túi thuốc y tế để thuận lợi hơn trong việc chữa trị các bệnh thông thường tại bản...

Chia tay những người làm công tác y tế huyện Quỳnh Nhai, chúng tôi nhớ mãi câu chuyện về túi thuốc y tế bản. Và cũng cảm nhận được rằng, đó không chỉ là những viên thuốc để chữa bệnh thông thường, mà đó còn là sự quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt cho người dân vùng đặc biệt khó khăn của Đảng, của nhà nước, là trách nhiệm của cán bộ y tế - những người được Đảng giao trọng trách nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân... Tất cả những điều đó tăng thêm niềm tin son sắt của người dân với Đảng, thêm vững tin đi theo con đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới