Huyện Quỳnh Nhai vừa đưa vào hoạt động Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông, thủy sản thương hiệu Quỳnh Nhai theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện sẽ góp phần khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cán bộ, người dân đến thăm quan, mua sắm tại Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông, thủy sản thương hiệu Quỳnh Nhai.
Đến thăm Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông, thủy sản thương hiệu Quỳnh Nhai, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai trong việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện. Không chỉ dành cho Trung tâm vị trí rất đẹp, thuận lợi ở tòa nhà của Trung tâm Văn hóa mà các gian hàng, sản phẩm được trưng bày, quảng bá đều được bố trí rất đẹp và khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các đối tác đến xem và mua hàng. Được biết, để việc triển khai chương trình bảo đảm hiệu quả, tránh những lãng phí không cần thiết, huyện Quỳnh Nhai đã cử Đoàn công tác học tập kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh để đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại địa phương. Xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế, đó là tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Nhai cũng phát huy vai trò nòng cốt của các cấp hội nông dân tham gia triển khai, nhân rộng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tổ chức phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiệu quả cho hội viên, nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản, chế biến nông sản, kỹ thuật vận hành các loại máy nông nghiệp...
Hợp tác xã rau sạch Quỳnh Nhai là một trong những đơn vị tiêu biểu tham gia sản phẩm OCOP. Sau khi đăng ký phát triển mô hình HTX rau sạch, đơn vị đã được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, mỗi ngày HTX xuất bán hơn 5 tạ cà chua và một số loại rau quả khác. Sản phẩm cà chua của HTX đã được tiêu thụ trong huyện và trong tỉnh. Do phát triển ổn định nên HTX đã tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc HTX rau sạch Quỳnh Nhai cho biết: HTX được hỗ trợ cấp đất và con giống, cây giống và phân bón để nuôi 500 con gà đen và 1.000 con gà mía ta, trồng 1 ha cà chua. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi còn được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện giám sát về thực hiện các yếu tố kỹ thuật để đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi cung cấp ra thị trường...
Trong Tuần văn hóa thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2019, huyện sẽ tổ chức các chuỗi sự kiện đồng thời gắn liền với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của các địa phương, như: Mô hình nuôi cá lồng ở xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn; mô hình trồng cây mắc ca và chanh leo tại xã Chiềng Khay; mô hình trồng chuối xuất khẩu tại xã Mường Giôn; mô hình sản xuất rau củ quả an toàn tại xã Mường Giàng... Đặc biệt, huyện Quỳnh Nhai sẽ công bố nhãn hiệu cá sông Đà, qua đó sẽ trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tìm đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân...
Đồng chí Nguyễn Hoài Thu, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Huyện sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường thực sự thuận lợi cho phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Trong đó, hướng mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ, thị trường để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với sự quan tâm chỉ đạo của huyện cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, chương trình OCOP ở huyện Quỳnh Nhai góp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giúp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!