Phụ nữ Quỳnh Nhai giúp nhau phát triển kinh tế gia đình

Giúp hội viên khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế, tạo điều kiện vay nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật sản xuất..., đó là những việc làm thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Nhai nhằm giúp hội viên lựa chọn được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Phụ nữ bản Ngáy, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) chăm sóc diện tích cây ăn quả trên đất dốc.

Theo chị Lò Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện, để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp hội vận động, hướng dẫn hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất; thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn vay ủy thác, vốn VAC và vốn 120. Qua 8 tháng, các cấp hội duy trì hiệu quả 45 tổ tiết kiệm và vay vốn, nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 1.727 gia đình hội viên vay vốn phát triển kinh tế, đạt tổng dư nợ hơn 60 tỷ đồng; duy trì hoạt động 5 tổ vay vốn thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện cho 149 hội viên vay, tổng dư nợ hơn 10 tỷ 500 triệu đồng; nhiều hội viên đã xây dựng được mô hình kinh tế có hiệu quả: Nuôi dê, bò nhốt chuồng, nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả ở các xã Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Mường Giàng; trồng cây sa nhân, chăn nuôi gia súc ở xã Mường Giàng; nuôi vịt thịt, siêu trứng ở Cà Nàng, Chiềng Bằng...

Ở mỗi cấp hội lại có cách giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình theo cách riêng. Đơn cử như Hội Phụ nữ xã Mường Chiên, do diện tích đất sản xuất hạn chế, nên đã tuyên truyền, vận động hội viên tranh thủ cấy lúa trên diện tích ruộng bán ngập; tạo điều kiện cho 29 hội viên vay hơn 1 tỷ 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; duy trì mô hình “Mỗi gia đình hội viên nông thôn có 1 vườn rau và nuôi từ 10 con gia cầm trở lên”; một số hội viên lại lựa chọn mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản, như chị Lò Thị Quyển, Chi hội bản Hua Sát; Lò Thị La, Chi hội bản Tung Tở; Lò Thị Xuyên, Chi hội bản Bon... Còn ở xã Mường Giàng, Hội Phụ nữ xã lại định hướng lựa chọn mô hình kinh tế cho hội viên theo vùng.  Ở vùng thấp, hội viên khai thác diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển dịch vụ. Trên vùng cao, trồng cây ăn quả trên đất dốc, tham gia khoanh nuôi bảo vệ rừng..., thông qua các mô hình kinh tế, đã giúp 2 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo; 2 hộ đạt 8 tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, các cấp hội còn vận động hội viên tham gia xây dựng các mô hình tiết kiệm, như: “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tiết kiệm tiền”; giúp đỡ nhau bằng gạo, củi, thực phẩm và tiền mặt, được gần 120 triệu đồng, giúp 93 hội viên hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Để giúp hội viên xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội LHPN huyện Quỳnh Nhai tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp giúp hội viên vốn, giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hội viên..., góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên, cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới