Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, nhiều đoàn viên, thanh niên ở Quỳnh Nhai đã tìm tòi, học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả, không những phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp nhân dân trong vùng cùng vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương sáng để các thanh niên trong vùng noi theo.
Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Tòng Văn Hưng ở bản Hán B, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai).
Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, chàng thanh niên Tòng Văn Hưng ở bản Hán B, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) đã mạnh dạn đi đầu trong việc nuôi cá lồng. Bắt đầu từ năm 2012, vợ chồng anh Hưng đã nuôi thí điểm 4 lồng cá. Sau 1 năm thu hoạch, thấy hiệu quả anh đã vay vốn làm thêm 2 lồng và vận động được 19 hộ trong bản tham gia nuôi với tổng số 50 lồng cá. Để khắc phục khó khăn về vốn và kinh nghiệm nuôi, chăm sóc đàn cá, anh Hưng đã bàn với mọi người góp tiền để làm lồng; tận dụng lá sắn, cỏ voi làm thức ăn. Sau 4 năm hoạt động, anh Hưng cùng các hộ nuôi cá trong bản quyết định thành lập hợp tác xã thủy sản Chiềng Khoang với 23 thành viên và anh được tín nhiệm bầu làm giám đốc hợp tác xã. Đến nay, HTX đã có 120 lồng cá các loại, bình quân thu hoạch từ 100 đến 120 kg/lồng/năm, doanh thu hàng năm của HTX đạt hơn 800 triệu đồng.
Cùng ý chí vươn lên làm giàu như anh Hưng, anh Sùng A Thu, ở bản vùng cao Phiêng Ban, xã Mường Giàng lại biết khai thác thế mạnh về đất đai, khí hậu để trồng sa nhân. Hiện nay, anh Thu là Chủ nhiệm CLB trồng sa nhân của bản. Anh Thu chia sẻ: Năm 2013, khi được đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế ở tỉnh Điện Biên, tôi thấy hiệu quả mô hình trồng cây sa nhân. Qua tìm hiểu về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, chúng tôi đã họp Ban Chấp hành chi đoàn và thống nhất trồng thử nghiệm 2 ha với khoảng 30.000 gốc sa nhân. Một năm sau, thấy cây sa nhân phát triển tốt, đẻ nhánh nhanh, không bị sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc, trên tinh thần tự nguyện, có thêm 5 đoàn viên tham gia, nâng diện tích sa nhân của bản lên 7 ha. Đồng thời, Chi đoàn bản đã thành lập Câu lạc bộ trồng cây sa nhân. Đến năm 2015, 2 ha sa nhân cho thu hoạch lứa đầu tiên gần 3 tấn quả tươi, với giá bán khoảng 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu được hơn 150 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn, quyết tâm mà đời sống của các thành viên Câu lạc bộ trồng sa nhân ngày càng no ấm, đầy đủ và tiến bộ, trở thành mô hình kinh tế thanh niên tiêu biểu giai đoạn 2012-2017, được biểu dương và nhận Bằng khen của Tỉnh Đoàn.
Ở bản Ít Ta Bót, xã Chiềng Khay có mô hình làm bàn ghế tre của Bí thư chi đoàn bản Hoàng Văn Quyết. Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cho một số đoàn viên thanh niên trong bản. Năm 2017, sau khi đi tham quan mô hình làm bàn ghế tre tại Mộc Châu, Hoàng Văn Quyết đã về làm thí điểm tại gia đình. Sau mấy tháng vừa tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hiện nay mỗi tháng gia đình anh sản xuất từ 3-4 bộ bàn ghế, mỗi bộ có giá từ 2,5-3 triệu đồng, ngay năm đầu tiên, gia đình anh đã có nhập trên 100 triệu đồng. Đến nay, sản phẩm bàn, ghế tre của gia đình anh đã được khách hàng trong và ngoài huyện ưa chuộng, bởi chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. Dự định trong thời gian tới, anh Quyết sẽ mở rộng mô hình đến các hộ gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong bản, giúp đoàn viên có việc làm, thu nhập.
Anh Lê Xuân Mạnh, Phó Bí thư Huyện Đoàn Quỳnh Nhai cho biết: Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, năm qua, các tổ chức đoàn trên địa bàn đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên vay vốn ưu đãi, đến nay tổng dư nợ qua tổ chức đoàn đạt hơn 55 tỷ đồng, với 51 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo việc làm cho 1.833 hộ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, toàn huyện có 3 CLB làm kinh tế, 2 mô hình HTX và 1 mô hình tổ hợp tác của đoàn viên thành niên hoạt động hiệu quả, cùng hàng chục hộ gia đình thanh niên làm kinh tế giỏi.
Những tấm gương đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu đã góp phần thúc đẩy, khuyến khích phong trào phát triển kinh tế và trở thành động lực cho các đoàn viên, thanh niên khác học tập, tìm tòi, tự tin tìm kiếm cơ hội lập nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thủy Tiên (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!