Nặm Ét là một trong những xã của huyện Quỳnh Nhai có tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Những năm gần đây, nhân dân trong xã đã chú trọng đầu tư lồng bè, liên kết nhóm hộ thành lập HTX để phát triển nghề nuôi cá lồng, tổ chức đánh bắt thủy sản, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Người dân bản Huổi Pao, xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai) phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Trò chuyện với anh Quàng Văn Chỉnh, Giám đốc HTX Huổi Pao, chúng tôi được anh chia sẻ: Nhường đất cho công trình thủy điện Sơn La, năm 2005, cả 60 hộ dân bản Huổi Pao phải di chuyển lên vùng đất cao hơn làm nhà, nhiều hộ dân chuyển sang đánh bắt cá và đầu tư làm lồng nuôi cá. Đến năm 2017, hơn chục hộ dân trong bản liên kết thành lập HTX Huổi Pao, góp vốn đầu tư làm 50 lồng nuôi các loại cá: Trê, chép, trắm cỏ, nheo, rô phi... Để sản xuất hiệu quả, HTX tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập những mô hình nuôi cá hiệu quả ở các địa phương khác để làm theo. Nhờ thực hiện đúng quy trình nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm, mô hình nuôi cá lồng ngày càng phát huy hiệu quả, chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay, HTX đã bán hơn 2 tấn các loại cá, với giá từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, thu trên 170 triệu đồng. Anh Quàng Văn Chanh, thành viên của HTX Huổi Pao, nói thêm: Năm 2015, ngoài số tiền của gia đình, tôi vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi 6 lồng cá; tiền lãi góp lại mở rộng quy mô, hiện nhà tôi có tổng cộng 10 lồng cá, thu lãi gần 80 triệu đồng/năm. Năm 2017, khi trở thành thành viên HTX, tôi còn được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, liên kết cùng nhau tìm thị trường tiêu thụ cá thương phẩm.
Tìm hiểu thêm được biết, năm 2014 cả xã Nặm Ét mới chỉ có 6 lồng cá, nhưng bây giờ đã tăng lên tới 380 lồng, với 120 hộ tham gia. Tập trung đông nhất vẫn là các bản: Nà Hừa, Giáng, Dọ B, Huổi Pao, Bó Ún, Hào; trong số này, có 40 hộ là thành viên HTX thủy sản Liệp Muội và HTX Huổi Pao với 183 lồng cá. Tổng sản lượng cá thương phẩm của cả xã ước đạt trên 400 tấn/năm, trừ chi phí, mỗi lồng cá thu lãi bình quân hơn 9 triệu đồng/năm. Đồng chí Bạc Cầm Chương, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Để nuôi cá lồng hiệu quả, chúng tôi chỉ đạo liên kết các nhóm hộ thành lập HTX sản xuất tập trung; tạo sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; khuyến nông xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá, các biện pháp phòng, trị bệnh cho cá, đồng thời hướng dẫn bà con mở rộng diện tích trồng cỏ voi, chuối, sắn và tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương làm nguồn thức ăn cho cá.
Nuôi cá lồng đã và đang là hướng đi được người dân trong xã Nặm Ét lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình, nhanh chóng thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Dù vậy, các HTX, người nuôi cá lồng rất mong các cấp, các ngành tạo điều kiện cho người nuôi cá được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!