Năng động khai thác lợi thế diện tích mặt nước hồ thủy điện Sơn La, HTX Vận tải Hợp Lực (Quỳnh Nhai) đã đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy, chất lượng cá thương phẩm của HTX đã tạo được uy tín trên thị trường. Cuối năm 2016, sản phẩm cá lồng của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; tháng 2/2019, được Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà Sơn La”. Đây là điều kiện tốt để HTX mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khu vực nuôi cá lồng của HTX Vận tải Hợp Lực (Quỳnh Nhai).
Dẫn chúng tôi đi thăm các lồng cá nuôi tại địa phận xã Chiềng Ơn, ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc HTX Vận tải Hợp Lực thông tin: HTX thành lập năm 2011, với 7 thành viên, thực hiện kinh doanh dịch vụ vận tải. Song, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai phù hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, năm 2015, Ban Giám đốc HTX đã họp bàn với các thành viên, thống nhất chuyển đổi kinh doanh sang nuôi trồng thủy sản, với 10 thành viên. Tổng số vốn ban đầu là 6 tỷ đồng, HTX đầu tư 200 lồng nuôi cá kiên cố và các công trình phụ trợ, như: Nhà nổi, kho, nhà lạnh chứa cá tạp làm thức ăn cho cá... Nuôi chủ yếu các loại cá lăng, cá trắm đen, cá rô... Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đàn cá, nên sản lượng cá vụ đầu tiên đạt thấp.
Khắc phục khó khăn đó, các thành viên HTX đã đầu tư nghiên cứu nuôi cá theo quy trình VietGAP, tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá; tìm hiểu đặc tính sinh học từng loại cá để đề ra phương pháp chăm sóc phù hợp, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, HTX thường xuyên cử các thành viên tham gia tập huấn cách thức nuôi, chăm sóc cá lồng do các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức. Đặc biệt, đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh hướng dẫn quy trình nuôi cá lồng, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP...
Chia sẻ về việc đầu tư nuôi cá lồng của gia đình, anh Nguyễn Hữu Lễ, thành viên HTX Vận tải Hợp Lực thông tin: Gia đình tôi đầu tư 15 lồng cá. Mỗi lồng cá rộng 80 m², nuôi khoảng 500 con cá trắm đen, thời gian nuôi từ 16 - 18 tháng, năng suất đạt khoảng 1,3 tấn cá/lồng, doanh thu bình quân hơn 90 triệu đồng/lồng cá, lợi nhuận bình quân trên 20 triệu đồng/lồng. Sản phẩm cá của HTX hiện tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Sơn La, Điện Biên, Hà Nội... Thời gian này, đang vào mùa mưa bão, để tránh tổn thất các lồng cá, gia đình tôi cũng như các thành viên HTX chủ động gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ, thông thoáng...
Được biết, cùng với tạo thu nhập ổn định cho các thành viên, HTX còn giải quyết việc làm cho 14 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện HTX đang triển khai đóng mới 60 lồng, nâng tổng số lồng cá của HTX lên hơn 300 lồng, tập trung nuôi cá lăng, cá trắm đen. Tuy nhiên, HTX còn thiếu vốn đầu tư và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, HTX mong muốn tỉnh và huyện có cơ chế chính sách hỗ trợ HTX phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Việc khai thác hiệu quả diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La để nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Vận tải Hợp Lực đã góp phần đáp ứng nhu cầu về sản phẩm cá thương phẩm sạch trên thị trường, giúp các thành viên nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!