Xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) có 19 bản, trong đó 4 bản vùng cao, thu nhập của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao luôn được người dân chú trọng. Xác định chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh trong phát triển kinh tế, xã Chiềng Khoang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt gắn với trồng cỏ voi; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, vận động nhân dân trồng cỏ, sử dụng vật liệu sẵn có để làm chuồng trại.
Nông dân bản Đông, xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) nuôi bò nhốt chuồng.
Ông Lò Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2012 đến nay, xã được hỗ trợ hơn 1.500 con bò giống theo Chương trình 30a, qua đó đã tạo điều kiện để bà con tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc; hiện nay, chăn nuôi đã trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã. Để duy trì và phát triển đàn gia súc, xã đã chủ động triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét phù hợp với từng vùng. Đặc biệt, ở các bản vùng cao mùa đông thời tiết khắc nghiệt, nên ngoài việc đưa trâu bò vào chuồng nuôi nhốt, bà con chủ động giữ ấm, dự trữ thức ăn. Đến nay, toàn xã có gần 4.000 con trâu, bò, trồng gần 140 ha cỏ voi, đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn.
Bản Hán A có số lượng đàn gia súc lớn của xã. Bản gồm 117 hộ, có tới 320 con trâu, bò, trồng hơn 7 ha cỏ voi. Để đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt, bản đã vận động bà con làm chuồng trại, chủ động tiêm phòng đẩy đủ các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh. Anh Lò Văn Thuận, chia sẻ: Năm 2013, gia đình vay Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng mua 4 con bò giống và làm chuồng nuôi nhốt, trồng 1.000 m² cỏ voi. Gia đình đã thực hiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và xử lý môi trường, tiêm vắc xin định kỳ 2 lần/năm, hiện nay gia đình đã có 12 con bò, 3 con trâu, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Ngần Văn Quý ở bản Đông đang nuôi 5 con bò sinh sản, trung bình mỗi năm bán từ 2-3 con bê, chăn nuôi đại gia súc là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông Quý cho biết: Gia đình luôn chủ động đảm bảo nguồn thức ăn bằng việc tích trữ rơm sau mỗi vụ gặt và cho bò ăn thêm thức ăn tinh bột để bê con sinh ra khỏe mạnh. Sau nhiều năm tích lũy từ chăn nuôi, gia đình tôi mua được xe ô tô.
Để chăn nuôi gia súc phát triển một cách bền vững, thời gian tới, xã Chiềng Khoang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn ưu đãi, mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy nghề chăn nuôi đại gia súc phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!