Chiềng Khay chú trọng chăn nuôi đại gia súc

Nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thiết thực giảm nghèo bền vững, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) đã tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất; đặc biệt là mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.

Người dân bản Nà Mùn, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) phát triển chăn nuôi gia súc.

Là xã vùng cao, Chiềng Khay có nhiều đồi cỏ tự nhiên phù hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhưng đã nhiều năm, bà con nhân dân các dân tộc chủ yếu chăn nuôi theo hình thức thả rông, nhỏ lẻ và chưa chú ý tới phòng chống dịch bệnh, đói rét. Xác định chăn nuôi đại gia súc là hướng phát triển kinh tế bền vững, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và vận động nhân dân chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông sang hình thức nuôi nhốt chuồng và trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc trâu, bò sinh sản; trồng cỏ và cách thức dự trữ, ủ chua thức ăn; tổ chức tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh và thực hiện phát triển chăn nuôi đại gia súc với thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới để bà con đồng thuận thực hiện. Bên cạnh đó, các chương trình 135, 30a của Nhà nước và các chương trình tín dụng ưu đãi, đã tạo điều kiện cho bà con đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, từng bước tăng quy mô và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã xây dựng chuồng trại kiên cố, một số bản có số lượng gia súc lớn đã khoanh vùng chăn nuôi riêng để chăn thả, như: Nà Mùn, Phiêng Bay, Có Luông, Nong Trạng... toàn xã hiện có gần 4.700 con trâu, bò và 2 ha trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.

Anh Lò Văn Tưởng (bản Nà Mùn) chia sẻ: Trước đây, con trâu, con bò là tài sản lớn, chỉ khi nào gia đình có công to việc lớn hoặc có người ốm đau cần tiền chữa bệnh thì mới bán. Bây giờ thì khác rồi, được cán bộ xã tuyên truyền, nuôi trâu, bò làm hàng hóa, nên gia đình tôi nuôi 25 con trâu, bò, có nguồn thu nhập khá, không bị phụ thuộc hoàn toàn vào cây ngô, cây sắn nữa. Còn chị Tẩn Thị Pham (bản Phiêng Bay) cho hay, gia định chị đang nuôi 30 con trâu, bò; riêng năm 2018, bán 2 con trâu, 6 con bò, thu hơn 130 triệu đồng. Chăn nuôi cho thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với trồng các loại cây trên nương.

Tuy nhiên, chăn nuôi đại gia súc ở Chiềng Khay vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, do một số hộ chưa đầu tư xây dựng chuồng trại và trồng cỏ, còn thả rông dẫn đến tình trạng gia súc dễ mắc dịch bệnh vào những khoảng thời gian giao mùa; trâu, bò bị chết đói, chết rét. Theo Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Đỉa, cùng với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, xã đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện khoanh vùng phát triển chăn nuôi tập trung; tuyên truyền, vận động nhân dân chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng, khuyến khích xây dựng trang trại, mở rộng diện tích trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn dự trữ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, từng bước đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành lĩnh vực chính trong phát triển kinh tế của địa phương.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới