Tết ở biên cương

Là người đã quen với cuộc sống thành thị, nên “cái nhìn” về Tết với tôi có vẻ như không thật đậm nét bởi bộn bề công việc. Thế nhưng, khi nghe các anh bộ đội ở Đoàn 326 bàn về chuẩn bị Tết ở nơi đóng quân, trên biên giới Tổ quốc, sao lại thấy xốn xang đến lạ...

 

Cán bộ Đội 7 hướng dẫn bà con bản Sam Quảng cách trồng rau xanh.

Định danh “Bộ đội 326” từ nhiều năm nay đã trở nên rất đỗi quen thuộc và thân thương với đồng bào các dân tộc huyện Sốp Cộp. Dù chưa đi hết những nơi Đoàn thành lập các Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị, nhưng chúng tôi cảm nhận được khá rõ ràng tình cảm bà con nhân dân các dân tộc ở nơi các anh đóng quân dành cho bộ đội, bởi nhiều cán bộ đã vui cùng bà con đón hơn chục cái tết.

Được giới thiệu lên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7, đứng chân tại bản Sam Quảng, xã Mường Lèo, cách trung tâm huyện tới 70 cây số, chúng tôi rất háo hức. Sam Quảng được bao bọc bởi những dãy núi cao vút, thế nên đã gần trưa mà những đám mây trắng vẫn chưa tan, làm cái lạnh cắt da, cắt thịt như thêm lạnh. Hôm chúng tôi đến, anh em Đội 7 đang chuẩn bị gói bánh chưng, người đãi gạo, người rửa lá dong... Đại úy Lê Văn Hợi, Chính trị viên Đội 7, đã 8 năm ăn Tết xa nhà, năm nay có tên trong danh sách được về quê ăn Tết, anh lại thấy hụt hẫng vì phải xa đồng đội. Anh Hợi bảo: Ở đây, cứ tầm 24, 25 Tết là anh em tổ chức gói bánh chưng, năm nay đơn vị chuẩn bị 1 con lợn, gà còn thực phẩm thì luôn có sẵn, chuối, bưởi, quýt... đều là sản phẩm của anh em trong Đội. Có lẽ điểm khác biệt so với thành thị là cách trang trí bàn thờ Tết, ngoài mâm ngũ quả còn có những chiếc bánh dày của bà con dân tộc Mông biếu, rồi có cả cành đào rừng xù xì, mốc meo, với những cánh hoa đỏ thắm...

Xa nhà nên anh em quây quần, gần gũi, đầm ấm lắm. Trong cái lạnh như cắt trong đêm giao thừa, bên đống lửa bập bùng được bố trí ở khu đất trống, bộ đội và bà con dân bản cùng nhau chờ đón giao thừa. Năm nay, đơn vị sắm được một bộ loa đài có chức năng hát karaoke. Lần đầu tiên bà con được biết cái “máy biết hát lại có phim” là như thế nào. Đêm giao thừa, bộ đội cùng dân bản hái hoa dân chủ và cất lên những bài hát mừng Đảng, mừng Xuân mà bộ đội đã dạy... Sáng mồng 1 tết trở đi, anh em bộ đội cùng tham gia ném còn, ném pa pao, kéo co và các trò chơi dân gian khác cùng bà con. Tất nhiên, sẽ có một nhóm cùng chỉ huy Đội đi chúc Tết cả 46 hộ trong bản. Anh Hợi bảo: “Phải đi chúc Tết hết lượt đấy, như vậy bà con mới vui”. Vậy là cả 3 ngày Tết, anh em trong Đội ai nếu đều “phải hết mình” vui xuân cùng bà con...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Đội 7 phụ trách 6 bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lèo, trước Tết mấy ngày, chỉ huy Đội chia anh em ra nhiều nhóm tổ chức đi chúc Tết trước và tặng quà ban quản lý bản; xa nhất là Nậm Khún cách Đội tới 30 km nhưng anh em đều đến tận nơi. Quà tặng của bộ đội dành cho bà con vừa là bánh kẹo trích từ quỹ của đơn vị, vừa là những sản phẩm do anh em tăng gia sản xuất. Trong câu chuyện về các anh “Bộ đội 326”, chúng tôi được nghe một câu chuyện rất thú vị về cây bắp cải. Chỉ cách đây mấy năm, vào thời điểm gần Tết, anh em trong Đội thường trồng bắp cải để ăn, trong khi bà con vùng này chưa ai biết “mặt mũi” cây bắp cải ra sao, hương vị của nó thế nào. Một lần, lúc thu hoạch bắp cải, đơn vị mang biếu già làng và một số người dân sống xung quanh đơn vị. Lần đầu được ăn bắp cải, bà con tấm tắc khen mãi, vậy là mỗi lần tặng quà Tết, ngoài bánh kẹo, anh em còn tặng thêm mỗi nhà mấy cây bắp cải. Sau đó, bộ đội vận động, hướng dẫn bà con trồng bắp cải. Thật vui khi nhiều hộ trong bản đã biết trồng bắp cải. Già làng Giàng Chi Măng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, bảo: “Cứ tưởng cây bắp cải là loại chỉ có thành thị mới trồng được. Bộ đội giỏi lắm, không chỉ mở rộng diện tích bắp cải mà còn hương dẫn dân bản làm theo. Bộ đội là người nhà của bản rồi!”.

Câu chuyện cây bắp cải tưởng chừng nhỏ, nhưng đã thay đổi tập quán bao đời của người dân. Trung tá Trần Khánh Hòa, Đội trưởng Đội 7 kể: Đội được thành lập năm 2003, phụ trách địa bàn các bản: Huổi Luông, Pá Khoang, Nậm Khún, Huổi Phúc, Nà Chòm, Sam Quảng, toàn là những bản thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Mường Lèo. Trước đây, bản nào cũng 100% hộ nghèo, nhiều người nghiện hút, họ không biết canh tác, cấy trồng cây gì, nuôi con vật nào cho phù hợp? Sau 15 năm kiên trì “bốn cùng” với đồng bào, chúng tôi đã giúp người dân biết làm ruộng nước, không phá rừng làm nương, nhà nào cũng làm được vườn rau, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào hố rác xa nhà...

Rời Sam Quảng, chia tay “Bộ đội 326”, tôi còn cảm nhận rõ sự gần gũi, đầm ấm tình quân dân theo một cách riêng. Dù vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, nhưng tình đoàn kết quân dân đầm ấm luôn hiện hữu vùng đất còn gian khó này.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới