Chung tay thực hiện mục tiêu “Vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”, Công an Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực vì an sinh xã hội. Một trong số hoạt động nhân văn đó là thực hiện Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La”, đưa các em có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa về nuôi dưỡng dưới “mái nhà” của Công an tỉnh, giúp cho các em viết tiếp ước mơ về một tương lai tươi sáng, ấm áp tình người.
Tình thương và trách nhiệm
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án, tâm sự: Sau những chuyến đi công tác ở cơ sở, nhìn thấy các cháu có hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ, không đủ cơm ăn, áo mặc, không được đi học rất đáng thương. Cùng với đó, Bộ Công an chỉ đạo về việc rà soát số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh để giúp đỡ. Điều đó đã thôi thúc tôi cùng lực lượng Công an tỉnh phải làm điều gì đó thiết thực để giúp đỡ các cháu.
Sau khi xin chủ trương và được sự nhất trí của Bộ Công an và UBND tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng Công an tỉnh tham mưu, triển khai thực hiện việc nhận nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công an tỉnh đã rà soát, lấy ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi các cháu cư trú và nguyện vọng của các gia đình đang nuôi dưỡng các cháu.
Tháng 8/2021, sau khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định, Công an tỉnh đã đón 4 cháu của huyện Sông Mã và thành phố Sơn La về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Công an tỉnh. Các cháu được nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, học tập theo độ tuổi, cấp học đến năm đủ 18 tuổi với nguồn kinh phí được xã hội hóa từ việc ủng hộ, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Khi số lượng trẻ ngày càng nhiều, cần phải có sự chung tay của các đơn vị, ngành liên quan, năm 2022, Công an tỉnh đã ban hành Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Ban Chỉ đạo Đề án do Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng Công an tỉnh, đồng thời có cơ chế phối hợp với các ban, ngành liên quan, nhất là phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định cho các cháu được học tập theo các cấp học, độ tuổi.
Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, “mái nhà" chung của các em nhỏ do Công an tỉnh tiếp nhận, nuôi dưỡng đã lên tới 35 thành viên, em nhỏ nhất 6 tuổi, em lớn nhất 14 tuổi. Các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, không có người nuôi dưỡng, bảo hộ, sống lang thang, không có nhà cửa, do cha mẹ mất sớm.
Các em nhỏ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong khuôn viên trụ sở Phòng Cảnh sát cơ động. Công an tỉnh chỉ đạo phòng Hậu cần sửa chữa, nâng cấp nhà ở, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung và các công trình phụ trợ đủ điều kiện cho việc ăn nghỉ, sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng bố trí bổ sung 2 cán bộ nấu ăn, nuôi dưỡng, chăm sóc và 4 chiến sĩ đưa đón các cháu đi học tại các trường trên địa bàn. Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh phân công cán bộ đoàn viên, hội viên kèm cặp các cháu học thêm vào các buổi tối; định kỳ hằng tháng, Bệnh xá Công an tỉnh tổ chức thăm khám sức khỏe, chủ động công tác phòng ngừa dịch bệnh thường xuyên cho các cháu.
Những "người cha, người mẹ” thứ hai
Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Phòng Hậu cần là người đầu tiên được Công an tỉnh giao làm “bảo mẫu” chăm sóc các em. Tâm sự với chúng tôi, chị Thủy chia sẻ: Tôi cùng với 2 chị em khác hằng ngày đi chợ, nấu cơm 3 bữa cho các con; chiều về tắm giặt cho 6 bạn lớp 1, 2, các con còn nhỏ, chưa tự vệ sinh cá nhân được. Chúng tôi coi các con là người ruột thịt trong gia đình. Các con ở đây thuộc các dân tộc khác nhau, nhiều cháu còn chưa biết nói tiếng phổ thông nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc trao đổi giao tiếp, dạy dỗ, chăm sóc các con. Những lúc trái gió trở trời, các con ốm, sốt, ho, nên có nhiều đêm, tôi không ngủ để trông nom, chăm sóc.
Cuộc trò chuyện của tôi với chị Thủy thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi chốc chốc lại có một cô bé, cậu bé xuống phòng xin bút và đồ dùng sinh hoạt. Chị Thủy cười bảo: Ở đây, tôi cùng hai chị em khác thay phiên nhau chăm sóc, hỗ trợ các bé từ miếng ăn, viên thuốc, đồ dùng học tập, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân. 35 con là 35 hoàn cảnh khác nhau, mỗi đứa một tính cách, đôi lúc các con cũng ương bướng, nhưng tôi luôn dặn lòng mình phải bao dung, từ từ uốn nắn, tận tình bảo ban.
Bao khó khăn, vất vả nhưng đổi lại, các con ngày một trưởng thành, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, chủ động vệ sinh chỗ ở, chăm sóc vườn rau, chú tâm học tập. Đáp lại tình cảm của chị Thủy, những ngày lễ 8/3, 20/10, các con ra vườn hái hoa và làm thiệp để tặng, chúc mừng mẹ Thủy. Ghi nhận những đóng góp của chị Thủy trong chăm sóc nuôi dạy các con, Bộ Công an, UBND tỉnh và Công an tỉnh đã tặng chị bằng khen, giấy khen.
Hạ sĩ Sồng Nù Xua, là một trong 4 “anh nuôi” được Phòng Cảnh sát cơ động phân công hỗ trợ cùng 3 “bảo mẫu” trong chăm sóc các em. Anh Xua cho hay: Cứ 5h30 sáng, chúng tôi đánh thức các em dạy, hướng dẫn tập thể dục, sau đó đưa đón các em đến trường. Tối về hướng dẫn, đôn đốc các em học tập, vệ sinh cá nhân và hỗ trợ các mẹ các công việc khác khi cần, dạy các em học võ, gấp chăn màn, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, sinh hoạt như các chiến sĩ cơ động để các em thích nghi và học tốt hơn.
Định kỳ 3 buổi tối trong tuần, từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, cán bộ đoàn viên, hội viên, cán bộ chiến sĩ các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh thay phiên nhau kèm cặp các cháu học thêm. Thượng úy Hoàng Lê Minh, Phòng PA05, Công an tỉnh, chia sẻ: Nhiều cháu mới đến chưa hiểu hết tiếng phổ thông, việc tiếp thu còn nhiều khó khăn, nhưng khi được hướng dẫn, chỉ bảo, khuyên nhủ tận tình, các cháu cũng hiểu và nghe theo chỉ dẫn của các cô, chú.
Không chỉ quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ và học tập, Ban Giám đốc Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ và đoàn thể của Công an tỉnh còn trao, tặng quà cho các con vào dịp lễ, tết; tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chính trị, cho các con đi tham quan, tham gia hoạt động ngoại khóa ngoài trời; động viên các con yên tâm học tập, vươn lên trong cuộc sống.
"Trái ngọt" của tình thương
Dưới vòng tay ấm áp, chở che, tình cảm yêu thương của người bố, người mẹ thứ hai trong “Mái nhà yêu thương” của Công an Sơn La, 35 cháu đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh, sinh hoạt nề nếp; hòa nhập tốt với các bạn cùng trang lứa ở trường học và môi trường sống có kỷ luật của lực lượng Công an, có ý thức vươn lên trong cuộc sống, rèn luyện, phấn đấu trở thành cháu ngoan, trò giỏi, được nhà trường, thầy cô ghi nhận, biểu dương. Trong năm học 2022 - 2023, nhiều cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.
Em Vừ A Công là một trong 5 anh chị em trong cùng một gia đình nghèo ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, được Công an Sơn La đón về nuôi dưỡng. Gia đình đông anh em, bố mất sớm, mẹ lấy chồng khác, 5 anh em tự nuôi nhau rau cháo qua ngày, mặc dù nhà sát điểm trường nhưng không được đi học. Xót xa trước hoàn cảnh của các em, Công an tỉnh đón các em về nuôi, giờ đây, 5 anh em đều nền nếp trong sinh hoạt, học tập tốt. Vừa qua, Vừ A Công còn đạt giải ba cấp trường thi vở sạch chữ đẹp. Công bẽn lẽn: Con được các cô, chú công an yêu thương, tận tình dạy bảo, hướng dẫn học tập, con đã học tập tốt hơn, biết đọc, biết viết. Con cảm ơn cô, chú công an nhiều lắm!
Còn em Lò Lệ Quyên, 14 tuổi ở bản Nà Cầm, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, là một trong những em nhỏ đầu tiên được Công an tỉnh Sơn La đón về nuôi dưỡng. Bố mẹ mất sớm, em ở với cậu và ông bà ngoại, cuộc sống khó khăn. Dưới bàn tay chăm sóc của các cán bộ công an, lớp 6 và lớp 7, Quyên đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, vừa qua em còn đại diện cho trường tham gia thi học sinh giỏi môn Lịch sử, Địa lý cấp Thành phố. Với tác phẩm “Ngôi nhà yêu thương”, em Quyên đã đạt giải A cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức, nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974 - 15/4/2024).
Bài viết gần 7 mặt giấy đầy xúc động qua những dòng chữ nắn nót của Quyên viết về quá trình sinh sống học tập, quan tâm chăm sóc của cô chú công an. Điều đặc biệt hơn là em tâm sự, trước đây, em dường như mắc bệnh trầm cảm, nhưng được sự yêu thương, che chở, của các bố, mẹ thứ hai mà em đã trở thành người tự tin, không còn nhút nhát, phấn đấu học tập để đền đáp công ơn của cán bộ công an - những người Quyên coi như cha mẹ.
Chia sẻ với chúng tôi về tác phẩm, Quyên nói: Con viết tác phẩm này thay mặt các em trong ngôi nhà, bày tỏ tình cảm chân thành, lòng biết ơn vô hạn mà con muốn dành cho bác Vân, các cô, các chú cảnh sát cơ động đã ngày đêm chăm sóc cho con và các em, để chúng con có được một cuộc sống tốt đẹp khi về với mái nhà yêu thương này.
Ngoài trực tiếp, nuôi dưỡng 35 cháu, Công an tỉnh còn đang hỗ trợ cho 2 cháu có hoàn cảnh khó khăn mức hỗ trợ 6 triệu đồng/cháu/năm đến khi học xong THPT; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đưa 7 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Sốp Cộp, Sông Mã, Mộc Châu, Vân Hồ vào nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ trẻ em của tỉnh.
Chắp cánh tương lai cho trẻ
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Chúng tôi tiếp tục thực hiện Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Chỉ đạo các đơn vị, Công an các huyện, thành phố rà soát, thống kê số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiếp tục nhận nuôi dưỡng, Cử cán bộ chiến sĩ, đoàn viên, hội viên tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ các cháu trong học tập và sinh hoạt để các cháu có điều kiện phát triển và vươn lên trong cuộc sống, mai sau trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần cùng cộng đồng đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La” thể hiện sự nhân văn, chia sẻ cộng đồng, trách nhiệm xã hội của Công an tỉnh Sơn La. Đây cũng là đơn vị Công an đầu tiên trong cả nước triển khai huy động sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cán bộ, chiến sĩ cùng góp sức thực hiện đề án, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, lan toả hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an Sơn La “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ", bồi đắp ước mơ cho các mầm non tương lai của quê hương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!