Dân tộc Thái

Dân tộc Thái hiện là cộng đồng đông nhất ở Sơn La, chiếm 54% dân số. Tiếng Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Thái - Tày.

Một số nét văn hóa tiêu biểu của người

Người Thái có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp.Người Thái cũng làm nương để trồng lúa, hoa mầu và nhiều thứ cây khác. Các gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải, một số nơi làm đồ gốm"Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm, với những hoa văn đặc sắc, màu sắc tươi hài hoà, bền đẹp.

Mấy chục năm gần đây, nam giới người Thái mặc Âu phục khá phổ biến, nhưng phụ nữ vấn gắn bó với bộ áo, váy, khăn cùng lối trang sức theo truyền thống dân tộc, người Thái ở nhà sàn, mỗi bản thường có khoảng 40-50 nóc nhà kề bên nhau. Người Thái Ðen thường tạo dáng mái nhà hình mai rùa, trang trí trên hai đầu nóc nhà bằng những khau cút được làm theo phong tục từ xưa truyền lại. Người Thái có tục ở rể, vài năm sau, khi đôi vợ chồng đã có con mới về ở bên nhà chồng.

 Ðồng bào quan niệm, chết là tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia. Vì vậy, đám ma là lễ tiễn người chết về “mường trời”.

Người Thái có nhiều họ, mỗi họ thường có những quy định kiêng kỵ khác nhau. Họ Lò không ăn thịt chim Táng Lò. Họ Quàng kiêng con hổ. ”Ðồng bào Thái thờ cúng tổ tiên, cúng trời đất, cúng bản mường. Gắn liền với sản xuất là những lễ nghi cầu mùa. Mở đầu hàng năm bằng lễ đón tiếng sấm năm mới.

Thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao..là những vốn quý báu của văn học cổ truyền người Thái. Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của đồng bào Thái là “Xống chụ xon xao”, “Khu Lú, Nàng ủa. Người Thái sớm có chữ viết. Ðồng bào rất thích ca hát, đặc biệt là khắp. Khắp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm dàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xoè, múa sạp đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước, hấp dẫn đông đảo khán giả.

Cơm Lam- món ăn của người Thái Tây Bắc

Ai đã từng đặt chân lên Sơn La, được thưởng thức món cơm Lam dù chỉ một lần, sẽ cảm nhận được cuộc sống, văn hoá và hương vị của núi, rừng Tây Bắc. Món cơm Lam được làm từ gạo nếp nấu trong ống tre, tiếng Thái gọi là (Co má ngã) thân to khoảng cổ tay, các đốt dài từ 60-70 cm, cây cao, vỏ dày, bên trong có lớp màng dai. Khi nấu cơm Lam, người ta thường chọn cây non, chặt từng đốt, cho gạo nếp và nước vào ống, để khoảng 2-3 tiếng, dùng lá dong làm nút, đem đốt trên đống lửa. Khi gạo chín, dùng dao sắc tước vỏ, cắt từng khúc rồi ăn cùng chẳm chéo, muối vừng, hương của nếp nương, quyện cùng vị đậm của vừng, vị ngọt của tre sẽ đọng lại trong ta những cảm giác khó quên. Ðây là món ăn dễ làm, nguyên liệu sẵn có; người xưa thường dùng cơm Lam cho việc đi nương rẫy, săn bắn lâu ngày trong rừng sâu, hoặc trong các cuộc vui, bên những lời khắp, vòng xoè, người ta thường dựng ống Lam trên đống lửa... món cơm Lam cũng được dùng là món ăn kiêng trong kỳ sinh nở của phụ nữ.

Ngày nay, cơm Lam khá phổ biến trong các nhà hàng, hàng bán ở chợ, thể hiện tập tục, nét văn hoá truyền thống của người Thái vùng Tây Bắc. Nếu đến Sơn La, bạn hãy thưởng thức cơm Lam với các món cá mương ( Pa pỉnh tộp) và nếm men rượu cần bạn sẽ có thêm cảm nhận về Sơn La.

Một số trò chơi đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái

Hàng năm vào các dịp hội hè như hội đầu xuân, hội săn bắn, đánh cá tập thể, gắn liền với các buổi lễ sinh hoạt cộng đồng, như lễ Xên mương, Xên bản, Xên hươn, lễ “kim pảng”....Ðồng bào Thái thường tổ chức vui chơi ca hát, nhảy múa tổ chức nhiều trò chơi dân gian.

Thi ném còn:Thi ném còn qua vòng tròn treo trên độ cao từ 10-20 mét; đứng cách từ 10-20 mét, nam, nữ tập trung 2 bên tự do ném, ai ném trúng được thưởng (phần thưởng tuỳ theo sự thoả thuận giữa mọi người khi tổ chức).

Tung còn:Chủ yếu được tổ chức giữa nam, nữ thanh niên ( chưa vợ, chưa chồng).Trai gái chia hai bên, một bên là nữ, một bên là nam (số lượng bất kỳ). Ban đầu hai bên sẽ tung còn qua lại, về sau người con trai sẽ chú ý tung còn cho con gái nào mình thích. Nếu người con gái đó bắt quả còn một cách nhiệt tình, tức là họ đã có ý chấp nhận cầu thân. Từ lúc đó cặp trai chỉ tung còn cho nhau. Nếu ai để rơi còn, người bạn có quyền lấy một thứ gì đó như khăn, đồ trang sức, khăn tay... Sau khi trò chơi kết thúc, hai người lại trao trả lại cho nhau thứ đã lấy. Nếu buổi làm quen này có nhiều hứa hẹn, đó sẽ là một tình  yêu đẹp.

 

                                                                                             Trò tó má lẹ                                                 Ảnh: Huy Ngoan

Bước 1:Tó khấu luông- người chơi đứng ở vị trí cách hàng má lẹ đội bạn một khoảng cách (tuỳ theo quy định, thường bằng hai bước dài), đặt má lẹ lên điểm đầu gối giáp đùi, dùng ngón cái bật quả má lẹ sao cho trúng má lẹ đội bạn bay đến đích hoặc quá đích (theo thoả thuận) coi như thắng (gọi là oi). Trường hợp có thành viên đánh không oi thì thành viên đó có quyền “Sặm” (đánh lại) một lần hoặc để thành viên trong đội “Sen” (đánh cứu).

Bước 2:Tó khấu nọi, đội đánh cử một người đứng ở vạch qui định tung  quả má lẹ về phía hàng má lẹ đội bạn, má lẹ dừng ở điểm nào, lấy điểm đó  làm điểm để đánh. Người đánh sẽ ngồi sát vạch trên, ngồi xuống đặt má lẹ như  “như tó khấu luông” và cũng đánh như cách trên. Nếu không  “oi” thì đánh như cách 1.

Bước 3:Tó phá, từ  vạch quy định, người đánh sẽ đặt má lẹ trên mu bàn chân (tuỳ chân thuận), với hai bước chân của mình người đánh phải làm sao cho má lẹ bắn vào má lẹ đội bạn cho “oi”. Nếu không “oi”, tiếp tục như tó khấu luông.

Bước 4: Tó lai lin (hay tó tháp), như bước 2, người đánh tung má lẹ đánh dấu vạch đánh, sau đó đặt má lẹ xuống đất sát vạch đánh dùng má lẹ đội bạn sao cho “oi”, trường hợp không “oi” được tiến hành như bước một.

Ðội nào đã qua cả bốn bước là thắng một vòng và tiếp tục vòng hai. Trường hợp không qua bước thứ mấy sẽ được ghi nhớ để đánh ở vòng sau, sau khi đội bạn không qua. Trong trường hợp tung má lẹ để đánh dấu điểm đánh (tó khấu nọi và lai lin) nếu nhỡ tung má lẹ qua hàng má lẹ đội bạn hoặc làm đổ má lẹ coi như bị thua ở vòng đó và đội bạn có quyền đánh. Cuộc chơi cứ thế tiếp diễn.

Đây là một trò chơi tập thể, có tính đồng đội cao và đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và mạnh mẽ.

 Một số hình ảnh về dân tộc Thái ở Sơn La 

Vòng xòe ngày hội

                                    Điệu múa “Xên lẩu nó” của dân tộc Thái đen.                          Ảnh: Minh Thu

Thiếu nữ Thái bên khung dệt 

                                                                                              Thu hoạch lúa                                            Ảnh: Huy Ngoan

Độc đáo Lễ Hết Chá của người dân tộc Thái, xã Đông Sang (Mộc Châu)

Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm 54,76% dân số toàn tỉnh, gồm Thái đen và Thái trắng. Người Thái có nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp và văn hóa đa dạng độc đáo như: thơ, hoa, văn, trang phục, nhạc lý, làn điệu dân ca, lễ hội… Trong đó, phải kể đến lễ Hết Chá của người Thái, xã Đông Sang (Mộc Châu).

Lễ rước hoa ban, hoa mạ, và cây xắng chá

Theo chân cán bộ phòng văn hóa huyện, chúng tôi có dịp đến xã Đông Sang cách trung tâm thị trấn Mộc Châu chừng 5km. Tại bản Áng chúng tôi được gặp ông Lường Văn Tự, là một trong những nghệ nhân nổi tiếng, được thế hệ đi trước truyền lại phong tục tổ chức lễ hội Hết Chá, ông cho biết: Từ xưa kia, người dân tộc Thái nói chung và người dân tộc Thái Mộc Châu nói riêng, mỗi khi bị bệnh, ngoài nhờ bốc thuốc nam chữa bệnh, người ta còn đến nhờ thầy mo. Thầy mo làm lễ cúng nhờ thần linh và một số người cũng biết bốc thuốc nam nên đã chữa được bệnh cho dân bản. Mang ơn thầy mo, những người được chữa khỏi bệnh thường xin được làm con nuôi. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại mang lễ đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn chuẩn bị cho Tết, nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Từ đó, cứ đến mùa xuân, khi hoa mạ nở vàng sắc nắng, hoa ban nở trắng núi rừng là người dân nơi đây tổ chức lễ hội Hết Chá.

Tìm hiểu được biết thêm, để tổ chức nghi lễ, việc chuẩn bị cây nêu là quan trọng nhất, bởi mọi hoạt động của buổi lễ đều diễn ra xung quanh cây nêu này. Cây nêu được làm bằng cây tre bương già to, dài 3m, không bị sâu bệnh, được treo tất cả các loại hoa, chim muông, ve sầu, trống, quả còn, thuyền gỗ…. Để tìm được cây nêu đúng yêu cầu, người dân trong bản phải chuẩn bị trước đó 15 ngày, đàn ông thì lên rừng chặt tre, lấy cây giang già mang về chẻ nan; phụ nữ thì ghép trống, đẽo thuyền, làm hoa, đan các con vật: ve, ếch, chim, sóc...rồi nhuộm màu đỏ, vàng, xanh để treo lên cây nêu. Ngày 25/3, việc chuẩn bị cây nêu phải hoàn tất và dựng lên trang trọng tại nơi diễn ra buổi Lễ. Người chủ lễ sau khi chuẩn bị xong các công việc và ấn định được ngày giờ tốt để tiến hành làm lễ, ông đi mời từ 4 đến 7 đôi trai gái (báo sạo) với tiêu chuẩn: là những người xinh đẹp, hoạt bát, nhanh nhẹn; gia đình có đầy đủ bố mẹ, hoà thuận, yên ấm đến giúp việc hành lễ (Báo sạo chá). Công việc của họ chủ yếu là làm nhạc công, múa xòe (Tắng bụ và xoè chá) và tham gia diễn trò, chuẩn bị đạo cụ, phục vụ cho buổi lễ như: ván gỗ, tre, bương trống, chiêng, đó đơm cá, cày bừa, gươm, dao, thúng mẹt, cần câu... để phục vụ cho các trò diễn. Những người tham gia lễ hội đều mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, đeo đồ trang sức, thắt khăn thổ cẩm màu đỏ rực rỡ. Chủ lễ và các thầy cúng cũng mặc trang phục truyền thống, thắt chéo khăn vải thổ cẩm đỏ qua người và trên đầu thắt thêm khăn màu vàng có gắn những quả chuông nhỏ. Ngoài việc chuẩn bị cây nêu, để phục vụ buổi lễ, người ta còn chuẩn bị lương thực, thực phẩm để làm đồ lễ cúng gồm: một con lợn nặng khoảng 25 - 30 kg; 2 con ngan; 2 con gà trống; 20 lít rượu trắng; 20 kg gạo nếp; 500.000đ tiền mặt; 20 sải vải thổ cẩm; 20 sải vải bông  địa phương. Buổi tối trước khi diễn ra lễ hội, tại gia đình chủ lễ, sẽ diễn ra lễ cúng xin tổ tiên cho phép làm Lễ Hết Chá vào ngày hôm sau. Sáng sớm ngày 26, chủ lễ phải chuẩn bị mâm lễ gồm: ngan luộc, gà trống luộc, lợn luộc, xôi trắng, rượu, vải khít, vải bông trắng địa phương, chén uống rượu, tiền mặt. Ngoài mâm lễ mặn, phải chuẩn bị 2 mâm lễ chay. Người ta quan niệm, các mâm lễ được chuẩn bị cẩn thận, chu đáo để thần linh thổ địa chấp nhận thì việc tiến hành Lễ Hết Chá mới được thuận lợi.

Chuẩn bị các mâm lễ xong, chủ lễ và các thầy mo bắt đầu làm thủ tục cúng thổ thần, thần linh, hát Chá để giới thiệu với tổ tiên, sư phụ đã khuất về công việc làm Chá của gia đình mình trong năm, mong muốn tổ tiên, sư phụ phù hộ để công việc suôn sẻ và hát bài “Xên Chá” bằng một làn điệu riêng để mời sư phụ truyền dạy đã khuất (Phị mun)  từ trên trời xuống trần gian chứng kiến công việc. Vào ngày lễ, con nuôi ở khắp nơi lần lượt đến tặng quà (Sống chướng liểng) nhân dịp bố nuôi làm Hết Chá.

Phần lễ kết thúc, mọi người tham gia phần hội, có các trò diễn dân gian và xòe chá. Các trò diễn dân gian có nội dung mang tính nhân văn dí dỏm, hài hước được nhiều người yêu thích như: Trò trâu tập cày, thi nấu canh trứng, đi xúc cá. Sau mỗi trò diễn thì mọi người lại thể hiện các điệu xòe chá, do các cô gái với những bộ váy áo rực rỡ sắc màu thể hiện cùng với sự tham gia của bà con trong bản diễn ra cả ngày cho đến tận đêm. Tuy nhiên, trong những ngày chuẩn bị và tổ chức nghi lễ, người ta không cho những người phụ nữ góa chồng, chửa hoang, nhà có ngày cúng cơm của gia đình tham gia.

 Lễ Hết Chá được tổ chức mang tính cộng đồng cao, là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng đã chữa bệnh cứu người, mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình.  Các trò diễn dân gian trong nghi lễ phản ánh rõ nét tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, mang tính giáo dục con người, thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử, trong tình yêu đôi lứa; tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái, nâng cao đời sống. Nghi lễ còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Thái, qua đó, truyền tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ để giữ gìn bản sắc văn hóa của mình.

Một số hình ảnh về lễ Hết Chá của người Thái, xã Đông Sang (Mộc Châu):

Thầy cúng mời sư phụ về dự hội

Tích trò trâu tập cày

Tích trò vui tươi, đầy ý nghĩa giáo dục trong lễ hội

 

Vòng xòe, chiêng trống, tăng bu là linh hồn tạo nên màu sắc và sự vui tươi cho lễ hội

Vòng xòe đoàn kết 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm. Thời tiết: Mây thay đổi, không mưa, đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi cao có nơi trời rét, ngày nắng.
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.