Tường Phong phát triển nuôi trồng thủy sản

Là xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, những năm gần đây, Tường Phong đã khai thác tốt tiềm năng và trở thành một trong những xã tiêu biểu của huyện Phù Yên về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, nhất là xây dựng các mô hình nuôi cá lồng, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Lường Văn Giáp, bản Hạ Lương, xã Tường Phong (Phù Yên).

Trao đổi với đồng chí Hà Văn Du, Bí thư đảng ủy xã, được biết: Cũng như các xã vùng di dân TĐC thủy điện Hòa Bình, Tường Phong đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các chính sách hỗ trợ bà con khai thác hơn 330 ha diện tích mặt hồ để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo và đưa các chỉ tiêu phát triển nuôi cá lồng vào nghị quyết; chỉ đạo UBND xã và các bản duy trì và phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ. Hiện, toàn xã có 10 ha nuôi trồng thủy sản, với 351 lồng cá. Sản lượng đàn cá nuôi tăng theo từng năm, riêng năm 2018 đạt trên 100 tấn, năm 2019, phấn đấu có thêm 50 lồng, sản lượng đạt khoảng 120 tấn.

Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, tháng 10/2015, xã đã thành lập HTX thủy sản Tường Phong, với 105 hộ tham gia nuôi cá lồng cùng hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Ông Đinh Thanh E, Giám đốc HTX cho biết: Các thành viên tham gia HTX được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng, được tham quan, học tập các mô hình nuôi cá lồng hiệu quả tại các địa phương khác và được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, bảo vệ đàn cá. Nhờ vậy, cá nuôi phát triển tốt, sản lượng cao, đem lại thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đã đăng ký 1 gian hàng bán sản phẩm thủy sản tại chợ trung tâm huyện Phù Yên; ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số cơ sở tại huyện Phù Yên và Mộc Châu... Sau 3 năm, doanh thu bình quân đạt 50 triệu đồng/lồng/năm, nhiều hộ có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.

Đến thăm khu vực nuôi cá lồng của gia đình ông Lường Văn Giáp, bản Hạ Lương, một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ nuôi cá lồng. Từ 2 lồng cá được Nhà nước hỗ trợ năm 2016, đến nay, gia đình ông đã nhân rộng mô hình lên 8 lồng, nuôi cá trắm, chép, rô phi và cá lăng. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên là các loại cá nhỏ đánh bắt trên hồ, gia đình còn trồng 1 ha cỏ voi làm thức ăn cho cá. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách vệ sinh lồng cá, phòng chống dịch bệnh, nên đàn cá nuôi của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng cá thịt bình quân gần 1 tấn/năm, cùng sản lượng đánh bắt, mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc phát triển nuôi cá lồng ở Tường Phong đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa khô, các hộ liên tục phải di chuyển lồng cá do mực nước hồ rút nhanh, cá hay bị sặc bùn, chậm phát triển, thậm chí bị chết. Ngoài ra, do số lượng lồng cá tăng nhanh, nguồn cá giống không đủ cung ứng, HTX thủy sản Tường Phong phải nhập con giống từ Phú Thọ, Yên Bái, do phải vận chuyển xa, nên cá giống bị chết nhiều, nuôi chậm lớn và hay bị dịch bệnh. Ông Đinh Thanh E, Giám đốc HTX cho biết thêm: Đầu năm nay, HTX mua 10.000 con cá giống, với chi phí 30 triệu đồng tiền giống và thức ăn, nhưng về thả được 20 ngày, chỉ còn sống khoảng 1.000 con, thiệt hại hơn 25 triệu đồng. HTX rất mong các cấp, các ngành chức năng có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ HTX trong việc kiểm định nguồn gốc, chất lượng con giống; có kế hoạch xây dựng cơ sở ương cá giống tại địa phương để cung ứng cho bà con.

Thời gian tới, xã Tường Phong đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; mở rộng quy mô hợp lý phù hợp với diện tích mặt nước, tăng cường phòng chống dịch bệnh, đa dạng cơ cấu giống, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm các điều kiện để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới