Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Mường Thải: Duy trì hiệu quả bếp ăn bán trú

Từ năm 2014, Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Mường Thải (Phù Yên) đã triển khai mô hình bếp ăn bán trú cho học sinh theo Nghị quyết số 61/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Công tác này đã góp phần duy trì sĩ số học sinh, giảm đáng kể số lượng học sinh bỏ học, có thêm nhiều điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Bữa cơm trưa của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Mường Thải (Phù Yên).

 Cô giáo Mùi Thị Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 332 học sinh theo học bán trú, ăn 3 bữa sáng, trưa, tối tại trường. Mỗi học sinh được hỗ trợ 596 nghìn đồng và 15 kg gạo, theo đó, nhà trường chia cho 3 bữa ăn. Trong nấu ăn bán trú, nhà trường luôn quan tâm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Hàng năm, các nhân viên cấp dưỡng được tập huấn nâng cao kiến thức dinh dưỡng, khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, nhà trường đã ký hợp đồng với các cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm, có đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiến hành giao - nhận vào đầu giờ buổi sáng và chiều, cất giữ trong tủ lạnh đến khi mang ra chế biến để đảm bảo thực phẩm tươi, ngon.

Chúng tôi có mặt tại điểm trường Tiểu học vào thời điểm chuẩn bị bữa cơm trưa cho học sinh. Tại khu vực nhà bếp, nhà trường bố trí các phòng trong nhà ăn khá hợp lý. Trong đó, khu sơ chế thức ăn riêng trước khi đưa vào bếp nấu; khu kho chứa thực phẩm khô như mì tôm, trứng, gạo và tủ lạnh để thức ăn tươi sống; khu vực nấu nướng với đầy đủ các vật dụng, như, nồi cơm công nghiệp, bếp ga, giá inox; khu phân chia thức ăn đã nấu chín và khu rửa, vệ sinh... Các dụng cụ chế biến, đồ dùng đựng thức ăn đều sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, khô thoáng. Các nhân viên làm ở khu vực nhà bếp đều mặc đồng phục, đeo khẩu trang, găng tay trong giờ làm việc.

Nói về việc nấu ăn cho học sinh, chị Nguyễn Thị Thiệu, nhân viên phụ trách nấu ăn của nhà trường cho biết: Trong quá trình chế biến thức ăn, chúng tôi luôn thực hiện chế biến đúng các bước trong quy trình 1 chiều, từ nguyên liệu đầu vào đến khâu sơ chế, lưu trữ, nấu nướng, soạn chia, thu dọn. Thực phẩm sau chế biến được lưu mẫu và sẽ hủy sau 24 giờ. Quy trình này giúp kiểm soát tốt nhất chất lượng món ăn, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm. Thực đơn mỗi bữa đảm bảo cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho học sinh và thay đổi mỗi ngày...

Em Lý Minh Hạnh, học sinh lớp 5A, cho biết: Nhà em ở ngoài bản Khoai Lang, cách trường 10 km. Nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú, nên em được ăn, ngủ tại trường, có nhiều thời gian dành cho việc học tập hơn và được tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức.

Tại điểm trường THCS, khi trao đổi với chúng tôi về công tác tổ chức nấu ăn bán trú, cô giáo Cầm Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường băn khoăn: Năm học này, có 23 em học sinh ở bản Suối Quốc, những năm trước từng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 61/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nhưng năm nay lại không thuộc diện được hỗ trợ, nên hằng ngày các em phải đi - về quãng đường hơn 14 cây số. Vì vậy, nhà trường rất mong các cấp, các ngành xem xét, tạo điều kiện để các em tiếp tục được ăn bán trú tại trường, giúp các em học tập tốt hơn.

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, song nhờ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 61/2013/NQ-HĐND, Trường PTDT bán trú Tiểu học-THCS Mường Thải nhiều năm liền không có học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, huy động 100%  trẻ đi học đúng độ tuổi; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và THCS...  Đó là những động lực mạnh mẽ để nhà trường vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới