Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi tới xã Tường Phù (Phù Yên) tận mắt chứng kiến các mô hình kinh tế mới đã và đang được triển khai trên địa bàn như: nuôi vịt bầu cổ xanh, trồng tỏi, trồng thanh long ruột đỏ và trồng rau an toàn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần không nhỏ trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cán bộ Trạm QLCL nông, lâm, thủy sản Phù Yên kiểm tra vườn rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tường Phù.
Tới thăm ao nuôi 300 con vịt bầu cổ xanh của gia đình ông Hà Văn Công, bản Pùa Thượng 3, mô hình được Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã Tường Phù triển khai từ tháng 9/2016. Đến nay, đàn vịt đang trong giai đoạn đẻ trứng, ấp nở. Ông Công, cho biết: Nuôi giống vịt bầu cổ xanh 3 tháng là đàn vịt đã đạt trọng lượng 2,6-3kg/con; nuôi đến 6 tháng thì vịt bắt đầu đẻ trứng. Với giá trên thị trường hiện nay là 80.000 đồng/kg vịt thương phẩm và 4.000 đồng/quả trứng, trừ hết chi phí lãi 50%. Hiện nay, gia đình không đủ vịt và trứng để bán ra thị trường.
Được biết, giống vịt bầu cổ xanh là giống vịt bản địa, đã được bà con nuôi từ lâu tại xã Tường Phù và cho chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đàn vịt trên địa bàn có xu hướng giảm dần về số lượng. Để bảo tồn và phát triển đàn vịt bầu cổ xanh, UBND huyện Phù Yên đã giao Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với xã Tường Phù triển xây dựng mô hình hỗ trợ 500 con vịt bầu cổ xanh cho 3 hộ dân trên địa bàn. Để đảm bảo nguồn giống, Trạm Khuyến nông huyện đã ký hợp đồng chuyển giao từ Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi). Vịt giống cấp cho các hộ dân là giống vịt bầu cổ xanh dòng bố, mẹ thuần chủng. Trong quá trình nuôi, cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con tuân thủ các quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo hướng an toàn sinh học... Khi đàn vịt đã đẻ trứng, các hộ tham gia mô hình sẽ nộp lại số trứng tương ứng với số vịt giống đã nhận ban đầu để cho ấp nở và tiếp tục chuyển giao cho các hộ khác trong xã nuôi để nhân rộng mô hình.
Tiếp tục tới thăm mô hình trồng 1.200m2 cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lò Văn Lềnh, bản Đông I, cũng được Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã Tường Phù triển khai hỗ trợ trồng từ năm 2013. Đến năm 2016, vườn thanh long bắt đầu cho thu hoạch gần 2,6 tạ quả. Với giá 35.000 đồng/kg tại vườn, gia đình ồng Lò Văn Lềnh đã bán được 9 triệu đồng. Thấy hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ cao hơn trồng lúa, hiện nay đã có 14 hộ trong bản tham gia chuyển đổi 6.500m2 ruộng 1 vụ kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ.
Cùng với đó, Trạm Khuyến nông huyện Phù Yên còn phối hợp với UBND xã Tường Phù triển khai mô hình trồng 1ha tỏi với 10 hộ tham gia từ tháng 10/2016, đến tháng 2/2017 thu hoạch được 6 tấn tỏi khô. Với giá 35.000-40.000 đồng/kg, các hộ đã thu được hơn 200 triệu đồng. Từ tháng 2/2017, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục phối hợp với UBND xã Tường Phù tổ chức cho 60 hộ trồng 2,4 ha rau trái vụ như: Su hào, bắp cải... trên địa bàn và tổ chức cho các hộ dân ký hợp đồng liên kết với HTX Diệp Sơn để tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Ông Sa Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tường Phù, cho biết: Các mô hình đã và đang triển khai trên địa bàn đều phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, UBND xã tiếp tục phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP cho nông dân. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra cho người sản xuất.
Có thể thấy, các mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh, trồng rau trái vụ an toàn, trồng thanh long ruột đỏ và trồng tỏi tại xã Tường Phù đã và đang mở ra những cơ hội phát triển kinh tế mới trên địa bàn, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Phù Yên đang tích cực thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với nông dân sản xuất, xây dựng chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích nhân rộng mô hình để tạo thành hàng hóa tập trung, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đình Thành
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!