Tháng 3, Phù Yên vào mùa măng sặt, loại măng có ở hầu khắp các cánh rừng. Sau cả năm nằm sâu dưới lòng đất, khi những cơn mưa đầu mùa thấm xuống cũng là lúc những mầm măng mập mạp đua nhau trồi lên khỏi mặt đất.
Người dân xã Mường Thải (Phù Yên) đào măng sặt.
Sáng sớm, khi làn sương mù vẫn còn giăng đầy trên những ngọn núi, chúng tôi vượt đèo Ban ngoằn ngoèo lên xã Mường Cơi. Gọi là đèo Ban bởi trước đây, khu vực này có rất nhiều cây ban, mùa xuân đến hoa lại nở trắng rừng. Mùa xuân, cũng là mùa người dân Mường Cơi vào rừng đào măng sặt đem xuống chợ bán. Người già, người trẻ, ai cũng thích món măng sặt để cả vỏ, luộc qua rồi xào tỏi, dù chỉ ăn một lần cũng khó quên. Dọc quốc lộ 37, đôi lúc, chúng tôi lại bắt gặp một vài chiếc xe máy dựng bên đường, hỏi thì được biết là xe của người dân lên rừng đào măng sặt.
Trước đây, cây sặt chủ yếu mọc tự nhiên, nhưng do việc phá rừng làm nương đã làm diện tích giảm đáng kể. Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường, bà con đã mang giống về trồng trên nương của gia đình. Bà Triệu Thị Tiến, bản suối Bí, xã Mường Cơi chia sẻ: Cứ đến tháng 3, đồng bào Dao nơi đây lại vào rừng đào măng sặt. Nhưng không phải ai cũng có thể đào được nhiều măng, bởi chỉ những người có kinh nghiệm, kiên nhẫn tìm kiếm mới biết được mầm măng ẩn dưới đất và đào như thế nào để măng không hỏng cũng như không hại tới bụi cây. Vào rừng đào măng, chúng tôi thường phải đi chân trần, cứ thế di trên mặt đất để xác định chỗ có mầm măng, ấn ngón chân xuống phần đất gần với bụi cây để tìm măng. Các mầm măng dưới đất nên rất khó phát hiện và chỉ những cây măng chưa nhú lên khỏi mặt đất mới ngon. Một ngày đi rừng lấy măng, những người có kinh nghiệm và chịu khó có thể lấy được 15-20 kg măng rừng, bán được từ 500-600 nghìn đồng, đây là nguồn thu nhập thêm ngoài làm nương ngô, nương chè, ruộng lúa của các gia đình đồng bào Dao nơi đây.
Chúng tôi tiếp tục về xã Mường Thải, đã hẹn từ trước với chị Đặng Thị Yến ở bản Phúc, nên chị Yến dẫn chúng tôi ngược lên đồi đầy những bụi sặt ken dày đặc. Chân đeo ủng, chị Yến cười tươi bảo: Từ sáng đến giờ, tôi đào măng trên nương, tuy mệt nhưng hôm nay đào được nhiều măng, phấn khởi lắm. Cơn mưa đêm hôm trước làm đất đồi nhão nhoét, trơn tuột. Chủ nhà quen đường, cứ thế phăng phăng đi trước, còn chúng tôi phải đi thật chậm, cẩn thận để không bị ngã.
Đã quen việc, chị Yến nhìn thấy ngay chồi măng ẩn dưới lớp lá khô, chị nhanh tay vạch đám lá, sau mấy nhát thuổng, củ măng sặt đã hiện ra. Chị bảo: Cây sặt trồng bằng rễ, không cần bón phân hay chăm sóc, sau khoảng 2-3 năm cây bắt đầu cho măng. Qua vài vụ thu hoạch, có thể phạt bớt lá cho chồi con đâm lên, mưa ẩm càng nhiều, măng mọc càng nhanh, càng đào thường xuyên, măng càng sinh sôi mạnh. Đầu vụ, mỗi ngày, tôi đào được 5-6 kg, nhưng vào chính vụ có ngày đào được 55-60 kg, khoảng đồi này rộng 2.000 m2, một năm trung bình thu gần 1 tấn măng củ. Trồng sặt, ngoài việc lấy măng, còn lấy cây để cắm ruộng dưa, lại có thể mang xuống chợ bán. Măng đầu mùa có giá khá cao, từ 50-60.000 đồng/kg, một năm gia đình thu nhập trên 40 triệu đồng từ bán măng sặt.
Tháng 3, về Phù Yên được thưởng thức những món ăn chế biến từ măng sặt, chắc hẳn nhiều người sẽ khó quên được vị giòn sần sật, thơm ngọt của món đặc sản này. Qua bàn tay chế biến khéo léo của bà con nơi đây, những củ măng mập mạp, được đem về bóc vỏ, rửa sạch, trắng nõn, đem luộc chấm chẳm chéo, vị măng ngọt, quện vị chẳm chéo cay nồng, tê nơi đầu lưỡi. Măng sặt còn có thể xào tỏi, nấu canh xương. Mỗi món từ măng sặt đều mang đậm hương vị của núi rừng.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!