Đi dọc tuyến quốc lộ 37, từ Phù Yên, Bắc Yên đến Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) những ngày này, đến đâu cũng thấy hình ảnh những chiếc máy xúc cần mẫn san gạt, dọn dẹp đất đá. Trong đợt mưa lũ vừa qua, quốc lộ 37 là tuyến giao thông bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đến nay, toàn tuyến vẫn còn ngổn ngang đất đá. Công ty cổ phần Quản lý sữa chữa và xây dựng công trình giao thông II Sơn La cùng các địa phương đang khẩn trương thu dọn, giúp các phương tiện có thể lưu thông an toàn trên tuyến quốc lộ 37.
Công ty cổ phần Quản lý sữa chữa và xây dựng công trình giao thông II Sơn La
dọn đất đá sụt xuống mặt đường quốc lộ 37, địa phận huyện Bắc Yên
Trực tiếp chỉ huy tại công trường, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý sữa chữa và xây dựng công trình giao thông II Sơn La, thông tin: Trận mưa lớn từ ngày 28/8 đến ngày 31/8, đã gây 400 điểm sụt ta luy dương, 52 điểm sụt ta luy âm, 196 điểm tắc đường, ước khối lượng sụt hơn 200.000 m3 đất đá trên tuyến quốc lộ 37. Đơn vị đã huy động 22 đầu máy, thuê thêm một số đầu máy của các doanh nghiệp khác về làm liên tục cả ngày lẫn đêm. Trước mắt, chúng tôi cho hót sụt những điểm sạt ta luy dương, tiến hành kè rọ đá tại những vị trí sụt ta luy âm để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trên tuyến quốc lộ 37 thuộc địa phận huyện Bắc Yên bị ảnh hưởng nặng nhất, với trên 300 điểm sạt lở, 154 điểm tắc đường lớn. Anh Hoàng Mạnh Tiến, Hạt trưởng Hạt 237, trực thuộc Công ty cổ phần Quản lý sữa chữa và xây dựng công trình giao thông II Sơn La, cho biết: Điểm sạt tại km 434+730 thuộc địa phận bản Khoa, xã Mường Khoa là điểm phức tạp nhất với khối lượng đất đá sạt lở ước tính hơn 35.000 m3, phía dưới ta luy âm là trường học nên việc tìm bãi thải và vận chuyển đất đá rất khó khăn. Hơn nữa, đường lại hẹp nên chỉ có thể bố trí 2 máy xúc ở 2 đầu để múc và huy động 4 ô tô chở đất đá liên tục trong vòng 3 ngày mới có thể thông đường. Theo anh Tiến, khó khăn nhất khi xử lý các điểm sạt trên địa bàn huyện Bắc Yên ngay sau mưa lũ là các cây xăng không có điện để bơm nhiên liệu phục vụ cho máy móc thi công. Để khắc phục tình trạng này, đơn vị đã huy động dầu từ các xe tải tắc trên tuyến san sẻ dầu cho máy, nhằm thông kỹ thuật một đầu ra Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) chở dầu tiếp tế phục vụ các phương tiện máy móc san gạt. Nhờ sự huy động của chính quyền địa phương, sự chung tay của bà con và đặc biệt là sự tham gia của đoàn viên thanh niên các bản phụ giúp công nhân vận chuyển dầu thủ công qua các điểm sạt, hoặc chở bằng thuyền qua những điểm tắc đến các máy đã góp phần đẩy nhanh tiến độ khai thông nhiều điểm sạt lở, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi với anh Tiến đôi lúc lại bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của công nhân báo thiếu dầu, hay báo những điểm sạt lở đã cơ bản khắc phục được. Bữa trưa vội vàng của anh cùng đồng nghiệp diễn ra ngay tại công trường, rồi sau đó, mỗi người một máy làm việc xuyên trưa, tập trung hoàn thành khối lượng công việc được giao. Với họ, dù có mệt nhưng vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt đường, giúp người dân lưu thông thuận lợi. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần Quản lý sữa chữa và xây dựng công trình giao thông II Sơn La và các lực lượng của địa phương, đến ngày 5/9, tuyến quốc lộ 37 được thông xe bước 1 và đến nay đã thông tuyến đối với tất cả các phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả vẫn cần nhiều thời gian, nhất là việc sửa chữa, hoàn trả kết cấu mặt đường; xây dựng kè tại các vị trí sạt lở ta luy âm. Công ty cổ phần Quản lý sửa chữa và xây dựng công trình giao thông II Sơn La - đơn vị quản lý tuyến đường vẫn thường xuyên cử lực lượng thường trực, cắm biển cảnh báo và huy động máy móc tại những điểm xung yếu, xử lý kịp thời khi có sạt lở đường, đảm bảo điều kiện lưu thông trên toàn tuyến.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!