Sau hơn 10 ngày xảy ra mưa lũ tại huyện Phù Yên, dọc các xã có dòng suối Tấc chảy qua gồm: Quang Huy, Huy Thượng, Huy Hạ, Huy Tân, Huy Bắc, Tường Phù..., nhiều diện tích lúa bị lũ cuốn trôi hết lớp đất thịt, để trơ lại toàn đá với cát trên mặt ruộng. Nhiều ruộng lúa đã bị đổ rạp xuống, thân cây lúa dính đầy bùn và thóc đang mọc mầm...
Nông dân xã Quang Huy (Phù Yên) tranh thủ thu hoạch lúa còn lại sau mưa lũ
Từ lâu, người dân địa phương có câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, Tam Than, tứ Tấc” với ngụ ý xếp hạng diện tích cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên chỉ đứng sau 3 cánh đồng lớn ở khu vực Tây Bắc như: Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái) và Mường Than (Lai Châu). Vụ mùa năm nay, diện tích gieo cấy của huyện Phù Yên đạt 2.510 ha lúa nước và 1.300 ha lúa nương. Trong 2 ngày (10 và 11/10/2017), trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa lũ làm cuốn trôi, vùi lấp và làm ngập gần 680 ha lúa sắp đến kỳ thu hoạch (hơn 580 ha lúa nước và gần 100 ha lúa nương). Trước tình hình trên, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân tận thu những ruộng lúa còn thu hoạch được sau ảnh hưởng mưa lũ. Đồng thời, rà soát, thống kê, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí khôi phục đất sản xuất và hỗ trợ lương thực trong thời gian chưa có nguồn thu của các hộ dân có ruộng lúa bị mất trắng do mưa lũ gây ra. |
Tại khu ruộng có rất nhiều đá to như quả bưởi, nằm kín mặt ruộng ngay cạnh đoạn đê bị vỡ ở suối Tấc thuộc bản Co Nga, xã Quang Huy, ông Lê Văn Huấn, Bí thư chi bộ bản, kể: Trận mưa lũ xảy ra từ ngày 10 đến ngày 11/10 làm vỡ 200 m đê, nước cuốn theo cát và đá vùi lấp rất nhiều diện tích lúa của bà con, trong đó gia đình tôi cũng có 200 m2 lúa bị đá vùi lấp khó có thể khôi phục được. Những ruộng cao hơn ở xung quanh cũng có nhiều thửa lúa bị đổ, ngập nước và bùn đất vẫn còn dính đầy thân cây, nếu không thu hoạch kịp, thóc sẽ mọc mầm hết, nguy cơ thiếu lương thực của nhiều hộ dân trong bản thời gian tới đang hiển hiện... Đây cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều hộ dân ở các xã có ruộng ven các dòng suối trong huyện.
Tại bản Lao, xã Mường Bang, bà Lý Thị Son, 75 tuổi, đang mót thóc còn sót lại trên mặt ruộng đầy cát, đá. Bà Son nghẹn ngào: Thấy thóc thì tiếc đi mót, chứ mang về cũng chỉ để cho gà, vịt ăn, vì thóc đã mọc mầm rồi. Mong Nhà nước trợ cấp gạo và hỗ trợ gia đình khôi phục lại đất sản xuất. Qua tìm hiểu được biết, vụ mùa này, gia đình bà Son đã bán một con trâu được 16 triệu đồng để đầu tư mua 800 m đường ống dẫn nước tưới ruộng. Vậy mà, lúa chưa kịp thu hoạch thì mưa lũ đã cuốn trôi mất toàn bộ đường ống nước. Khu ruộng cũng bị cát, đá vùi lấp, khó có thể khôi phục trở lại.
Thực tế tại huyện Phù Yên, ngay cả các ruộng lúa không bị ngập lụt do mưa lũ cũng đang bị mất mùa. Cũng ở khu ruộng rộng 1.000 m2 cấy lúa BC15 của bản Chiềng Thượng, gia đình bà Vì Thị Phiếu chỉ thu được hơn 1 tạ thóc. Bà Phiếu cho biết: Năm nay lúa bị rất nhiều sâu bệnh, mặc dù đã được cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật và cán bộ khuyến nông hướng dẫn gia đình phun thuốc BVTV tới 7 lần, nhưng cây lúa vẫn phát triển kém, nhiều hạt thóc bị đen và lép, khi sát ra hạt gạo bên trong có màu đục và ăn có vị đắng.
Với thâm niên 8 năm làm nghề tuốt lúa thuê, anh Đinh Thế Hồng, bản Bó Hốc, xã Quang Huy, cho biết: Từ đầu mùa gặt đến nay, tôi thấy ruộng cao nhất cũng chỉ đạt năng suất bằng 50% so với vụ mùa năm 2016. Có hộ cấy 1.000 m2 ruộng chỉ thu được 1,2 tạ thóc. Như vậy, năng suất chỉ đạt 1,2 tấn thóc/ha.
Cùng với thiệt hại do thiên tai, vụ mùa này sâu bệnh hại lúa cũng phát triển mạnh. Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: Vụ mùa năm nay, nông dân trong huyện gieo cấy khoảng 80% giống lúa BC15 và TBR225 Thái bình; còn lại là các giống: Thiên Ưu 8, ADI28, N87, N97, NTH31, BT09... Trong thời gian lúa sinh trưởng, trên địa bàn huyện có mưa nhiều và nắng nóng dẫn đến độ ẩm cao, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV thì bà con không thực hiện phun kịp thời và đồng loạt, dẫn đến hiệu quả thấp do sâu bệnh ở các ruộng xung quanh lây nhiễm trở lại; nhiều hộ vừa phun thuốc thì gặp trời mưa nên thuốc mất tác dụng.
Hiện nay, đối với diện tích lúa bị ảnh hưởng và thiệt hại do mưa lũ, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân tận thu những ruộng lúa còn thu hoạch được. Rà soát, thống kê, xây dựng phương án hỗ trợ gạo ăn và thóc giống giúp nông dân khôi phục sản xuất. Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân khôi phục sản xuất và phòng chống sâu bệnh hiệu quả để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Giải pháp trước mắt, để đảm bảo lương thực và tạo nguồn thu cho người dân, huyện Phù Yên tập trung chỉ đạo tăng diện tích sản xuất cây vụ Đông thông qua việc hỗ trợ phân bón và các loại giống: Khoai tây, ngô, rau màu các loại... Về giải pháp lâu dài đối với những diện tích đất trồng ngô, lúa trên cao, không thể khôi phục sẽ hỗ trợ giống cho bà con chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và trồng cỏ phát triển chăn nuôi... Trước những khó khăn tại huyện Phù Yên, rất mong các tổ chức, cá nhân tiếp tục chung tay ủng hộ người dân. Đặc biệt là việc hỗ trợ kinh phí khôi phục đất sản xuất và hỗ trợ lương thực trong thời gian chưa có nguồn thu của các hộ dân có ruộng lúa bị mất trắng do mưa lũ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!