Lên Suối Tọ mùa này, hình ảnh dễ bắt gặp là bà con đồng bào dân tộc Mông trên lưng là chiếc lù cở gùi đầy ắp những bó cỏ voi xanh mướt làm thức ăn cho trâu, bò từ nương về nhà. Vài năm trở lại đây, Suối Tọ triển khai hiệu quả chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Nhân dân bản Lũng Khoai A phát triển chăn nuôi gia súc.
Suối Tọ là xã vùng 3 của huyện Phù Yên có diện tích đất tự nhiên trên 14.000 ha, trong đó đất rừng chiếm tỷ lệ cao nên phù hợp với mô hình chăn thả gia súc kết hợp nuôi nhốt. Để bà con thay đổi tư duy từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang tập trung làm hàng hóa, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Thú y huyện mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; hướng dẫn nhân dân làm chuồng trại để tránh rét trong mùa đông và trồng cỏ voi dự trữ làm thức ăn vỗ béo cho gia súc. Trong chăn nuôi gia súc, người dân chủ yếu nuôi trâu, bò và dê sinh sản. Toàn xã hiện có 1.609 con trâu, bò, 1.257 con dê, 370 con ngựa. Nhân dân ở các bản: Trò, Suối Tọ, Lũng Khoai A tận dụng những khoảng đất đồi hay diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cỏ voi phục vụ cho chăn nuôi. Vì vậy, diện tích trồng cỏ ở Suối Tọ không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn xã có trên 5 ha cỏ voi, chủ yếu là các giống cỏ cho năng suất cao và chất lượng tốt như VA 06.
Nhờ đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả mà nhiều gia đình ở xã đã thoát nghèo và từng bước có nguồn tích lũy từ chăn nuôi gia súc. Gia đình anh Thào A Tông, bản Suối Tọ là một ví dụ điển hình, anh Tông chia sẻ: Trước kia, cũng như các hộ gia đình khác trong xã, gia đình tôi chỉ biết trồng ngô và lúa nương, năm nào cũng bị đói giáp hạt nhiều tháng. Nhờ chủ trương của xã vận động và cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất để phát triển chăn nuôi và trồng cỏ, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mua bò, dê về nuôi. Hiện, gia đình có 50 con bò, hơn chục con dê và ngựa. Ngoài bán bò, dê thịt cho thương lái, tôi còn bán giống cho những hộ trong bản. Giờ gia đình không những đủ ăn, mà còn mua được xe máy và có vốn tích luỹ để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Đến bản Lũng Khoai A thăm gia đình anh Sồng A Khai. Lúc đến, anh đang mở cửa chuồng lùa đàn bò ra bãi chăn thả, anh Khai nói: Mùa này, bà con thu hết ngô và lúa nương rồi, nên sáng sớm tôi lùa bò ra thả, tối lại lùa về chuồng. Trời giá rét, sương muối nên không thả bò cả đêm ngoài trời bò sẽ bị chết rét. Còn những ngày nhiệt độ xuống quá thấp, nuôi nhốt và cho bò ăn tại chuồng. Gia đình hiện có 9 con bò, hơn 10 con dê. Tận dụng bãi, đồi rộng, gia đình tôi cùng nhiều hộ gia đình khác trong bản đều chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Mô hình này vừa tiết kiệm được chi phí nuôi mà thời gian nuôi lại rút ngắn, mỗi con trâu, bò khi chăn thả sẽ kết hợp nuôi nhốt để vỗ béo, sau một năm có thể xuất bán, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khi được hỏi về hướng phát triển chăn nuôi của xã trong thời gian tới, ông Vì Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tọ, cho biết: Xã sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và của huyện để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đưa chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tin rằng, với những nỗ lực của chính quyền, nhân dân xã Suối Tọ trong phát triển kinh tế nói chung và chăn nuôi gia súc nói riêng sẽ giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!