Những năm qua, xã Quang Huy (Phù Yên) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các mô hình kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Nhân dân xã Quang Huy (Phù Yên) phát triển mô hình trồng nấm rơm cho thu nhập ổn định.
Ông Cầm Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã thông tin: Trên cơ sở quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế của huyện, xã đã vận động bà con các bản vùng cao trồng rừng, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc làm hàng hóa; các bản vùng thấp thâm canh lúa, rau màu, phát triển kinh doanh dịch vụ hàng hóa. Các đoàn thể chính trị xã hội nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất. Hiện nay, Quang Huy có hơn 160 ha lúa 2 vụ, 120 ha lúa nương, 248 ha ngô, 100 ha sắn, 26 ha rau màu các loại; khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2.000 ha rừng; phát triển đàn vật nuôi với 4.700 con gia súc, trên 32.300 con gia cầm. Thu nhập bình quân đầu người hơn 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 16,4%.
Chủ tịch UBND xã giới thiệu chúng tôi về bản Mo 3, ở đây, bà con xây dựng nhiều mô hình trồng nấm rơm, vừa tận dụng được phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thu nhập ổn định. Trưởng bản Mo 3 Lường Văn Tướng chia sẻ: Bản có 135 hộ, ban đầu chỉ có hộ gia đình anh Lò Văn Thắm trồng trước. Sau thấy mô hình nhà anh Thắm hiệu quả, bán ra thị trường với giá ổn định, nên nhiều hộ trong bản đã học tập và phát triển mô hình này. Hằng năm, sau khi kết thúc vụ chiêm xuân, từ tháng 6, bà con lại bắt tay vào trồng nấm và trồng gối 3 đợt để có sản phẩm bán liên tục đến qua Tết Nguyên đán. Hộ trồng nhiều trồng hơn 1.000 bịch, hộ ít khoảng 500 - 600 bịch. Trung bình mỗi hộ thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/đợt, đặc biệt có hộ thu được gần 30 triệu đồng mỗi đợt, như gia đình chị Lò Thị Hòa, ông Lò Văn Thắm, Si Văn Piến... Nhờ trồng nấm, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, cả bản chỉ còn 6 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo.
Còn tại bản Mo Nghè 3 có 93 hộ với hơn 360 nhân khẩu, do nằm dọc theo quốc lộ 37, ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ đã phát triển dịch vụ mua bán nông sản, kinh doanh hàng hóa, thức ăn chăn nuôi. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người hơn 25 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%. Ông Nguyễn Văn Hiển, Bí thư chi bộ bản cho biết: Bản có hơn 11 ha lúa 2 vụ, 3 ha rau màu, bà con còn tận dụng đất trống để trồng cỏ, nhiều hộ nuôi đến hàng chục con trâu, bò, hàng nghìn m2 ao nuôi cá. Nhờ tích cực lao động sản xuất, trong bản xuất hiện nhiều gương làm kinh tế, như hộ ông Nguyễn Văn Kền, Hoàng Văn Thắng..., thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Kinh tế phát triển, việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới được nhân dân tích cực hưởng ứng. Từ năm 2014 đến nay, người dân trong xã đóng góp hơn 2,9 tỷ đồng và gần 10.000 ngày công lao động bê tông hóa gần 9 km đường giao thông nông thôn. Hiện nay, 88,7% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 92,4% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tỷ lệ phổ cập giáo dục 3 cấp học đạt 100%; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được chú trọng, 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn luôn được đảm bảo.
Quang Huy hôm nay đã thực sự đổi thay, bằng việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cùng với những chính sách đầu tư của Nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân, diện mạo nông thôn đang khởi sắc, năm 2020, Quang Huy phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!