Vài năm trở lại đây, cùng với đẩy mạnh trồng cây ăn quả có múi, huyện Phù Yên xem việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Do đó, cùng với vận động nhân dân thâm canh diện tích ao, hồ hiện có, huyện còn triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, nhằm tạo thu nhập ổn định.
Các hộ dân bản Chiếu, xã Mường Thải (Phù Yên) nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy lợi Suối Chiếu.
Theo thống kê, huyện Phù Yên có trên 3.300 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản, trong đó, lòng hồ sông Đà hơn 3.000 ha; các ao, hồ nhỏ gần 200 ha; các hồ thuỷ điện và hồ suối Chiếu trên 80 ha. Tận dụng lợi thế này, UBND huyện phối hợp với UBND các xã tăng cường khuyến khích nhân dân tận dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản; tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho cá; vận động bà con củng cố hạ tầng ao nuôi và ươm, nuôi cá giống nhằm đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ. Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về đánh bắt thủy sản theo hình thức an toàn; kiểm tra việc đánh bắt, khai thác thuỷ sản tại các xã vùng hồ sông Đà và các xã dọc suối Tấc.
Tìm hiểu thêm được biết, nhằm tích cực hỗ trợ cho các hộ dân phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, huyện Phù Yên tăng cường công tác chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản triển khai nuôi thử nghiệm các giống cá mới; tuyên truyền, tập huấn công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai thả 93.400 con cá giống các loại tại Bến phà Vạn Yên, xã Tân Phong. Thực hiện tốt quy trình chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá giống, ương nuôi cá hương và chăm sóc đàn cá bố mẹ, tổng lượng cá giống cung ứng ra thị trường đạt trên 54 triệu con, trong đó, 37 triệu con cá bột, gần 16 triệu con cá hương và trên 1 triệu con cá giống cấp 3. Đến nay, toàn huyện có 646 lồng cá, tổng sản lượng thủy sản đạt 883 tấn, bằng 59,66% kế hoạch năm, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 632 tấn, sản lượng khai thác đạt 251 tấn.
Với diện tích mặt nước lòng hồ Suối Chiếu trên 31 ha, xã Mường Thải có điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Ông Đinh Đức Quy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, những năm qua, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con cách đóng lồng nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn cá, chỉ đạo các bản, hộ gia đình tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ để giảm chi phí, chủ động nạo vét ao, vệ sinh lồng nuôi, phòng dịch bệnh cho cá. Toàn xã hiện có trên 50 lồng cá, sản lượng đạt 37,4 tấn, bằng 109% kế hoạch giao, sản lượng đánh bắt đạt 6 tấn, bằng 86% kế hoạch năm. Việc mở rộng quy mô các lồng cá đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng nguồn thực phẩm sạch, đồng thời, tạo cảnh quan du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Phát triển nghề nuôi cá lồng được 6 năm nay, gia đình ông Hà Đình Sơn, bản Chiếu, xã Mường Thải hiện có 3 lồng cá nuôi gối đàn, chủ yếu giống trắm đen, chép, rô phi. Từ việc tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên gồm các loại cá nhỏ đánh bắt trên hồ và cỏ voi, lá sắn, lá chuối, cá nuôi luôn đạt chất lượng thịt ngon và chắc, sản lượng cá thịt đạt gần 1 tấn/năm, giá bán 100 nghìn đồng/kg, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng. Ông Sơn chia sẻ: Ban đầu, khi có ý tưởng đầu tư, tôi được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách làm khung sắt, lồng lưới thay thế cho lồng bương tre và tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, nuôi cá lồng quan trọng nhất là giữ sạch nguồn nước. Đặc biệt vào mùa mưa, cá thường có hiện tượng trương bụng và chết. Để phòng tránh, tôi vệ sinh khu vực nuôi thường xuyên, luôn chú ý vớt thức ăn thừa để tránh ô nhiễm lồng nuôi. Nhờ vậy, đợt mưa lũ vừa qua, không gây thiệt hại nhiều, đàn cá phát triển tốt, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình.
Cùng với vận động, hỗ trợ bà con mở rộng quy mô ao, lồng nuôi cá, Phù Yên còn khuyến khích các nhóm hộ liên kết thành lập các HTX để hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tin rằng, với hướng đi phù hợp, Phù Yên sẽ thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!