Phù Yên hiện có 32 hợp tác xã, với số vốn đăng ký trên 60 tỷ đồng, trong đó phần lớn là HTX nông lâm nghiệp. Tuy còn nhiều khó khăn trong việc vận hành theo cơ chế mới, nhưng các HTX đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi tư duy sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Thành viên HTX Tâm Tín, xã Gia Phù (Phù Yên) chăm sóc vườn ươm cây gáo vàng.
Để giúp các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, thời gian qua, huyện Phù Yên đã hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các HTX. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong đó, việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao và Ngày hội Cam huyện Phù Yên hằng năm đã quảng bá sản phẩm “Cam Phù Yên” đến với du khách trong tỉnh, ngoài tỉnh. Đặc biệt, ngày 4/12/2017, sản phẩm “Cam Phù Yên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên, thông tin: Cùng với tạo cơ chế mở, huyện còn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình xây dựng nông thôn mới và vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 76/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết 57/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để hỗ trợ các HTX phát triển. Trong đó, HTX Chanh leo khu Han Mường Do, HTX Chanh leo bản Lằn (xã Mường Do) được hỗ trợ 700 triệu đồng tiền cây giống chanh leo theo nguồn vốn sự nghiệp của huyện; HTX Thủy sản Nam Phong được hỗ trợ chi phí làm lồng nuôi cá (5 triệu đồng/lồng) và hỗ trợ 60% chi phí để hợp đồng hướng dẫn kỹ thuật và tư vấn hợp tác xã (tối đa không quá 30 triệu đồng) theo Nghị quyết 57/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh... Các HTX phát triển ổn định, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động. Bên cạnh đó, còn có thể tích lũy để đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực. Tuy ở mức độ khác nhau, nhưng các HTX đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người dân, khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của các HTX.
Một trong những HTX ở Phù Yên hoạt động hiệu quả là HTX dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc. Hiện HTX có 13 thành viên, hoạt động đa ngành nghề: Mua bán, sửa chữa xe máy; trồng cây ăn quả và rau theo hướng hữu cơ. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm tính hiệu quả, bền vững. Trong đó, trên 1,7 ha đất sản xuất tại xã Huy Hạ được bố trí trồng 500 gốc nhãn ghép Hưng Yên, 100 cây xoài Đài Loan, 200 gốc chuối, đu đủ cao sản giống Đài Loan, bí đỏ, dừa xiêm, 100 gốc mít Thái, 300 gốc đinh lăng, 200 gốc chanh leo và một số loại rau, cây trồng theo hướng hữu cơ. Khu 2 tại bản Văn Yên, xã Mường Thải chủ yếu trồng các loại cây ăn quả có múi. Ông Nguyễn Ngọc Chựa, Giám đốc HTX cho biết: HTX thành lập trên cơ sở các thành viên đều là nông hộ đã có mô hình riêng lẻ từ trước, sản xuất manh mún, đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Nhận thấy được những hạn chế đó, nên ngay sau khi thành lập, HTX đã chủ động khâu nối, phối hợp để các thành viên tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, HTX còn được huyện tổ chức cho đi tham quan các mô hình hay, cách làm mới hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng hệ thống phun, tưới nhỏ giọt cho cây; hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Nhờ vậy, các sản phẩm rau, củ, quả của HTX ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. Năm 2018, tổng doanh thu HTX đạt gần 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 650 triệu đồng; tạo việc làm cho 14 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Chúng tôi đến HTX Tâm Tín, xã Gia Phù. Thành lập tháng 8/2018, HTC có vốn đăng ký kinh doanh ban đầu là 1 tỷ 200 triệu đồng. Hiện HTX có 7 thành viên, hoạt động đa ngành nghề, gồm: Xây dựng, kinh doanh đồ điện nước, ươm cây giống, trồng rừng, khai thác gỗ, nuôi ong, cá... Tạo việc làm ổn định cho hơn 60 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Cầm Hoài Thanh, Giám đốc HTX Tâm Tín: Vườn ươm hiện tại được huyện hỗ trợ hơn 100 triệu đồng chi phí xây dựng các hạng mục: Nhà điều hành, nhà để dụng cụ, nhà để giá thể đóng bầu, nhà lưới ươm cây con, hệ thống tưới của vườn ươm... Quy mô vườn ươm sản xuất, cung ứng 15.000 cây giống xoài GL4 Đài Loan, nhãn hương chi chín muộn, bưởi da xanh, bưởi Hoàng Trạch, bưởi Đoan Hùng. Đặc biệt, còn ươm giống cây gáo vàng, chuyên để xuất sang Nhật Bản, đóng sàn tàu, sau 5 năm trồng, cây có thể cao từ 36 - 40m, giá thu mua từ 1 triệu đồng/cây, trung bình 1 ha, người dân có thể thu về 1 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Phù Yên tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; khuyến khích có hộ nông dân liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu trong năm 2019 thành lập mới 5 HTX. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX... Tạo điều kiện để các HTX hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động trên địa bàn.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!