Phù Yên, điểm đến hấp dẫn du khách

Là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thiên nhiên ưu đãi cho Phù Yên nhiều danh lam thắng cảnh hoang sơ, kỳ vĩ. Không chỉ vậy, đồng bào các dân tộc nơi đây còn có nhiều nét giá trị văn hóa rất riêng trong ăn mặc, ẩm thực, sinh hoạt tinh thần. Nếu như vùng cao Suối Tọ, Kim Bon, Suối Bau mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông với nét độc đáo giã bánh dày, ném pa pao, thổi khèn gọi bạn, thì vùng thấp lại nổi bật với cảnh sắc lòng hồ sông Đà mênh mang với cơm lam, cá nướng, điệu múa xòe, khắp Thái, đang Mường, như lời mời gọi, giữ chân du khách gần xa.

 

Bản làng ven lòng hồ thủy lợi suối Chiếu - một trong các điểm du lịch sinh thái của Phù Yên. Ảnh P.V

Đến đây, du khách sẽ được thỏa mãn trí tò mò khi khám phá Hang bản Giáo, xã Huy Tân; hang Vàng, bản Mỏ, xã Tân Lang; hang Han 4, Han 5, xã Mường Do; Khu di tích lịch sử đồn Mo, thị trấn Phù Yên; Đình Chu, xã Quang Huy; được hoài niệm về nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân “thồ gạo, kéo pháo” đã dừng chân trong lần hành quân lên Điện Biên năm xưa - “Rừng Tướng Giáp” và đắm mình trong không gian xanh mướt của cỏ cây trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa; được cảm nhận không khí trong lành, nhiệt độ thay đổi theo độ cao ở rừng thông Noong Cốp. Đặc biệt, du khách còn được thả mình thư giãn trong phòng tắm khoáng nóng hồ Suối Chiếu, đi thuyền vãn cảnh lòng hồ sông Đà và hòa mình vào lễ hội Đang Mường, khắp Thái, Xíp Xí, Mợi, Gầu Tào, Lập Tịch, để thưởng thức những món ăn dân tộc độc đáo, ngắm nhìn những bộ trang phục rực rỡ sắc màu và đắm say trong những vòng xòe cuốn hút, rượu cần ngây ngất men say, ánh lửa bập bùng và giọng hát ngọt ngào của các thiếu nữ miền sơn cước.

Vài năm trở lại đây, du lịch của Phù Yên đang có bước khởi sắc. Huyện đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đã tạo được sức hấp dẫn và trải nghiệm mới mẻ đối với du khách trong, ngoài tỉnh và cả khách nước ngoài. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành công  nghiệp “không khói”, huyện đang có hướng xây dựng tour du lịch từ hồ Suối Chiếu đi rừng Noong Cốp đến Ao Noong Bua ra Rừng Tướng Giáp, cuối cùng là du lịch lòng hồ sông Đà. Đồng thời, phát triển các sản phẩm dệt truyền thống, nghề mây, tre đan, nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông và quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa các dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng; từng bước hỗ trợ kiến thức, tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân; khuyến khích tôn tạo cảnh quan, gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc dân tộc để đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Xã Mường Thải là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của huyện, chỉ cách trung tâm huyện 9 km, giao thông đi lại thuận tiện. Với diện tích mặt nước hồ Suối Chiếu trên 31 ha, xã đã khuyến khích nhân dân mở các dịch vụ đi thuyền vãn cảnh lòng hồ và phát triển mô hình tắm khoáng nóng gắn với mở dịch vụ ăn uống. Ông Đỗ Hồng Tốt, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải, cho biết: Tại đây, các hộ dân đã mạnh dạn phát triển mô hình tắm khoáng nóng với hệ thống 50 phòng tắm được thiết kế đa dạng, gồm bồn tắm dành cho cá nhân và gia đình, du khách sẽ thật sự thoải mái khi được ngâm mình trong bồn tắm khoáng với khoảng thời gian tùy ý thích. Cùng với đó, du khách còn được trải nghiệm cảm giác thư thái khi đi thuyền ngắm cảnh sắc 2 bên bờ hồ và thưởng thức đặc sản cá lồng hồ Suối Chiếu. Cá ở đây đa dạng, chắc thịt và thơm ngon, từ trắm đen, lăng, rô phi đến chép, được tẩm ướp công phu bằng nhiều gia vị đặc trưng và nướng lửa than bên những nếp nhà sàn truyền thống. Ngoài ra còn có thịt trâu, gà đồi, rau rừng có sẵn trong vùng được chế biến theo cách độc đáo của đồng bào dân tộc và luôn đảm bảo tươi, ngon.

Gia đình ông Hà Văn Chăng, bản Chiếu, xã Mường Thải, nhận thấy nguồn nước nóng ở bản có nhiệt độ cao, các thành phần khoáng chất tự nhiên trong nước lại có tác dụng chữa trị một số bệnh ngoài da hay thấp khớp, nên đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống phòng tắm nước khoáng nóng. Ông Chăng chia sẻ: Năm 2013, tận dụng nguồn nước mó nóng cách nhà 100 m, tôi đã đầu tư xây bể chứa, đồng thời, xây dựng 12 phòng tắm để mở dịch vụ tắm nước khoáng nóng. Ngoài ra, gia đình tôi còn nhận đặt cơm phục vụ nhu cầu ăn uống của khách đến tắm. Những ngày cuối tuần hay lễ, tết gia đình phục vụ hàng chục lượt khách, thu từ 1,5- 2 triệu đồng/ngày.

Nhiều người ví von rằng, tiềm năng du lịch của Phù Yên giống như “viên ngọc thô”, bởi cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch còn thiếu thốn; chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, với lợi thế về tự nhiên, con người nồng hậu, thân thiện, Phù Yên đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Bằng chứng là từ năm 2017 đến nay, huyện đã đón trên 15.200 lượt khách lưu trú du lịch, trong đó có hơn 14.200 lượt khách nội địa và trên 1.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 6.000 tỷ đồng.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới