Từ đầu năm đến nay, huyện Phù Yên đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, gắn xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng lòng hồ sông Đà, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Nông dân xã Quang Huy (Phù Yên) thu hoạch lúa mùa.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường và phát huy thế mạnh của sản phẩm một cách bền vững, huyện tiếp tục khai thác hiệu quả các tiểu vùng kinh tế. Đối với vùng cao, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc; tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu gạo Phù Yên; đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi tại các xã vùng Mường và thủy sản tại các xã vùng lòng hồ sông Đà. Năm 2019, tổng diện tích cây lương thực có hạt trên địa bàn huyện 16.682 ha, sản lượng lương thực có hạt ước đạt gần 50.300 tấn; trong đó, 6.082 ha lúa, sản lượng trên 13.700 tấn. Đồng thời, khai thác hiệu quả 3.120 ha mặt nước hồ thủy điện Hòa bình và các hồ thuỷ lợi để phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản. Hiện, trên địa bàn toàn huyện có 767 lồng cá, từ đầu năm đến nay, các cơ sở nuôi cá giống đã sản xuất và cung ứng 1 triệu con cá giống; sản lượng thuỷ sản đạt gần 700 tấn, (nuôi trồng 510 tấn, khai thác gần 190 tấn). Chương trình phát triển chăn nuôi, trọng tâm là chăn nuôi đại gia súc được chú trọng, tổng đàn trâu, bò hiện có gần 41.500 con; huyện đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ con giống theo Chương trình 30a, giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc giai đoạn 2017-2020, các xã đã tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Xác định HTX là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, huyện thường xuyên tổ chức rà soát, hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác; triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hợp tác, liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung tư vấn hướng dẫn HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, HTX thủy sản Bắc Phong, HTX thủy sản Tường Tiến, HTX dịch vụ nông nghiệp Tây Bắc hoàn thiện hồ sơ thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; giám sát, tư vấn cho HTX trồng cam Văn Yên, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Hồng Long, HTX thủy sản Tân Phong, HTX thủy sản Tường Phong, HTX dịch vụ Kim Tân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường. Đến nay, huyện đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gồm 5 chuỗi lĩnh vực trồng trọt và 1 chuỗi chăn nuôi. Đặc biệt, với việc tổ chức hiệu quả chương trình “Ngày thứ 7 tình nguyện về cơ sở xây dựng nông thôn mới”, vào ngày thứ 7 hằng tuần, huyện đã huy động cán bộ, công chức, viên chức, LLVT chia thành 3 tổ, xuống 3 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay là Quang Huy, Mường Cơi và Huy Bắc để tham gia làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, trồng hoa ở các tuyến đường. Điểm nổi bật, chương trình đã tạo sức lan tỏa đến tận các bản và từng hộ gia đình, vào thứ 7, các xã cũng tổ chức huy động cán bộ về các bản tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, huyện Phù Yên tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư phát triển các vùng sản xuất chuyên canh sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn quả có múi, nuôi cá lồng; duy trì và phát triển các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch vùng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!