Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Phù Yên đã tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nông dân xã Mường Thải lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cam.
Ngoài việc khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, Phù Yên triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích canh tác cây ngắn ngày kém hiệu quả sang phát triển các loại cây ăn quả đặc sản, giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: Đến nay, Phù Yên có trên 2.300 ha cây ăn quả các loại. Từ năm 2018 tới nay, toàn huyện trồng mới hơn 500 ha cây ăn quả theo các chương trình, dự án (tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng), gồm: Hỗ trợ trên 360 ha cam, bưởi, nhãn chín muộn, xoài Đài Loan (Trung Quốc) theo Chương trình 30a cho 579 hộ; hỗ trợ trên 160 ha xoài, nhãn chín muộn, bưởi, cam, mít theo Chương trình 135 cho 510 hộ diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; hỗ trợ trồng, phát triển gần 90 ha cây chanh leo gắn với bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ trồng mới 13,9 ha cây ăn quả theo Nghị quyết 28 và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trên 42 ha xoài Đài Loan, bưởi da xanh, bơ Booth tại các xã: Huy Thượng, Tường Phù, Tường Thượng, Suối Tọ, Mường Do.
Xác định cây ăn quả có múi là một trong những cây trồng chủ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, trên cơ sở quy hoạch vùng, Phù Yên chỉ đạo mở rộng diện tích trên địa bàn các xã: Mường Thải, Mường Cơi, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang, Tân Lang. Tại Mường Cơi, chủ trương chuyển đổi diện tích vườn tạp, đất đồi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được nhiều hộ tích cực hưởng ứng. Nếu năm 2010, toàn xã mới có khoảng 10 ha cây ăn quả có múi thì hiện tại đã có trên 200 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn quả/năm. Thu nhập khá là gia đình ông Nguyễn Đức Cường (bản Nghĩa Hưng), với hơn 2 ha, trồng trên 1.000 gốc cam, bưởi da xanh, bưởi Diễn, mỗi năm thu 20 tấn quả, ước khoảng 400 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều hộ trồng cây ăn quả có múi theo quy mô trang trại và đang liên kết để thành lập HTX, nhằm tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Cùng với triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ bà con mở rộng diện tích cây ăn quả, huyện Phù Yên còn đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cam Phù Yên. Đồng thời, giới thiệu quy chế quản lý nhãn hiệu cam, thiết kế in ấn và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế tập thể, đến nay toàn huyện có 19 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng mua bán, đảm bảo cơ sở pháp lý, giá cả phù hợp, có lợi cho các thành viên, các HTX còn làm tốt vai trò hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật vệ sinh vườn, phục hồi cho cây sau thu hoạch, đảm bảo cho cây trồng tiếp tục phát triển tốt trong những vụ tiếp theo.
Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để trồng các loại cây ăn quả là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, Phù Yên đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ thành lập các HTX, chi hội ngành nghề, khuyến khích phát triển cây ăn quả chất lượng cao; mở rộng chương trình dự án tìm kiếm thị trường, xây dựng kế hoạch định hướng cho các cơ sở và người sản xuất, tránh tình trạng phát triển tự phát, bị động, dẫn đến không bảo đảm năng suất, chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!