Khai thác lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước suối Tấc dồi dào quanh năm và với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, nhiều nông dân ở xã vùng 3 Huy Thượng (Phù Yên) đã mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng hoa, trồng cây ăn quả, không những có thu nhập ổn định, mà còn tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất miến Đức Nhân, xã Huy Thượng (Phù Yên) tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Ông Lường Văn Nghiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đưa giống cây, con mới vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Hội đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện trên 7 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; phối hợp với Hội Nông dân huyện và Công ty giống cây trồng Thái Bình cung ứng 2.215 tấn lúa giống chất lượng cao theo phương thức trả chậm cho các chi hội... Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Hội Nông dân, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được nhân rộng; đến nay, toàn xã có 38 điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Chúng tôi cùng Chủ tịch Hội nông dân xã tới thăm gia đình ông Đinh Văn Đức, bản Chằm Chài, là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Được biết, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào sản xuất, chế biến miến dong, ông Đức đã đầu tư đồng bộ phương tiện, dây chuyền sản xuất, từ ô tô vận chuyển, máy xúc củ tươi, máy nghiền bột dong, máy tráng miến, cắt sợi và hệ thống bể lọc bột, nhà xưởng, thay thế hoàn toàn sức người từ khâu xát vỏ, cắt, nghiền, hấp... Ông Đức chia sẻ: Từ 1 tấn củ dong tươi, khi nghiền được khoảng 150 kg bột và cho khoảng 60 kg miến thành phẩm. Bình quân cơ sở sản xuất khoảng 20 đến 25 tấn miến dong/năm, trừ chi phí còn thu về gần 300 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng sản phẩm miến an toàn Đức Nhân, mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh. Hiện, cơ sở đang tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Đức còn tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, góp công, góp của chung tay xây dựng nông thôn mới và luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, được bà con nhân dân trong bản, trong xã quý mến.
Còn ở bản Úm 3, có mô hình nuôi ba ba của ông Lê Minh Hiến được nhiều người biết đến. Dùng nguồn nước từ suối Tấc, gia đình ông đã đầu tư xây dựng các bể ngăn nuôi ba ba, với diện tích trên 1.200 m2, nuôi khoảng 700 con/lứa. Hiện, gia đình ông đang nuôi ba ba trơn và tự thực hiện từ lựa chọn trứng, ấp và nuôi ba ba thương phẩm tại trang trại. Ông Hiến chia sẻ: Thời gian nuôi ba ba thường từ 3-4 năm/lứa, trọng lượng đạt từ 1,5 - 2 kg/con, thịt ba ba có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người ưa chuộng, giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 450 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi năm gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng.
Ngoài các điển hình kể trên, ở Huy Thượng còn có mô hình trồng hoa của gia đình anh Hoàng Trung Thực, bản Úm 3; mô hình nuôi vịt siêu trứng của anh Đinh Văn Bảo, bản Chằm Chài... mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không những thế, các hộ còn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong sản xuất với bà con trong bản, trong xã để cùng nhau phát triển sản xuất, góp phần đẩy mạnh phong trào “thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” và chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!