Những năm qua, Hội Nông dân xã Tường Phong (Phù Yên) luôn chú trọng phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững, tăng thêm nhiều hộ hội viên khá và giàu.
Mô hình nuôi cá lồng của hộ gia đình ông Lường Văn Giáp, bản Hạ Lương, xã Tường Phong (Phù Yên).
Bà Hà Thị Khuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Là xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, hằng năm, hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đồng thời, hội đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân; trong đó, nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách huyện trên 14,3 tỷ đồng cho hơn 400 hộ vay, triển khai dự án phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn hơn 600 triệu đồng Quỹ hỗ trợ Nông dân của Hội Nông dân Việt Nam với 20 hộ tham gia. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên. Năm 2018, có 125 hộ đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 45 hộ được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2019, có 225 hộ đăng ký và thực hiện chỉ tiêu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, đã có nhiều mô hình kinh tế của hội viên nông dân đem lại hiệu quả cao, thu nhập ổn định từ 100 - 400 triệu đồng/năm, nhiều hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, như: Hộ ông Lường Văn Giáp, Hà Văn Tuyên (bản Hạ Lương) với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; hộ ông Hà Văn Hải (bản Vặm) với mô hình chăn nuôi bò sinh sản kết hợp kinh doanh tạp hóa; hộ ông Lý Văn Định (bản Suối Lốm) với mô hình chăn nuôi đại gia súc...
Là một trong những hộ được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2018, ông Hà Văn Tuyển, bản Hạ Lương chia sẻ: Bản nằm ngay bên hồ sông Đà, giao thông đi lại chủ yếu là đường sông, canh tác trên đất dốc, bạc màu. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi của Hội Nông dân xã, năm 2016, gia đình tôi đã chuyển diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ chăn nuôi bò và nuôi cá lồng trên hồ sông Đà. Sau gần 3 năm, gia đình tôi đã có 8 lồng nuôi các loại cá như: Cá trắm, rô, cá lăng chấm, cá mè, trê lai, gần chục con bò, tổng thu mỗi năm khoảng 270 triệu đồng. Còn hộ gia đình ông Hà Văn Hải, bản Vạm, cũng là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Năm 2016, ông được vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam mua 3 con bò sinh sản; chỉ sau 3 năm trong tay ông đã có đàn bò 10 con; thu nhập bình quân của gia đình hiện ổn định ở mức hơn 200 triệu đồng/năm.
Điểm đặc biệt là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh doanh giỏi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả với bà con trong bản, qua đó tạo phong trào thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, các hội viên nông dân còn tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp công, góp của, chung tay xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2019, các hội viên nông dân xã Tường Phong đã đóng góp hơn 120 triệu đồng xây dựng sân bóng, khu vui chơi cho trẻ em tại bản Suối Lốm; đóng góp gần 90 triệu đồng sửa chữa Trường Tiểu học Tường Phong...
Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Tường Phong không chỉ khuyến khích, động viên nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu mà còn giúp các hội viên phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, xây dựng nếp sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Thị Duyên
(Trường Chính trị tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!