Những ngày cuối năm, không khí lao động ở Nhà máy may Phù Yên (bản Chát, xã Gia Phù) càng khẩn trương, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong khu nhà xưởng rộng 5.000 m2 sạch sẽ, thoáng mát, chị em công nhân đang miệt mài bên những cỗ máy may công nghiệp, sản xuất ra những sản phẩm may mặc đa dạng.
Ca làm việc tại Nhà máy may Phù Yên ở bản Chát, xã Gia Phù.
Nhà máy may Phù Yên bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2016 với tổng giá trị đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Nhà máy may Phù Yên đang có những bước phát triển vượt bậc. Đến nay, Nhà máy có 600 cán bộ, công nhân lao động, chủ yếu là người địa phương, qua hỗ trợ dạy nghề miễn phí và được nhận làm công nhân của nhà máy, đến nay tay nghề của họ đã được nâng lên, sản phẩm của Nhà máy làm ra đã được nhiều bạn hàng trên thế giới biết, tìm đến để ký hợp đồng với nhiều đơn hàng có giá trị kinh tế lớn và ổn định. Tính đến hết năm 2018, công nhân của Nhà máy đã sản xuất hơn 1,32 triệu sản phẩm trị giá hàng chục triệu USD, vượt 10% kế hoạch đề ra.
Dẫn chúng tôi đi thăm dây chuyền may trong nhà máy, anh Lê Xuân Phú, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Nhà máy may Phù Yên vui vẻ: Vừa rồi, khách hàng ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã đến thăm và đặt may hàng trăm nghìn sản phẩm một tháng. Nhờ vậy, thu nhập của người lao động ổn định; công nhân cũng không phải thay đổi mã hàng tiêu thụ như trước, có nhiều điều kiện nâng cao tay nghề, năng suất và chất lượng sản phẩm. Có những thời điểm, công nhân của Nhà máy đạt mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Vẫn theo anh Lê Xuân Phú thì Tết Nguyên đán năm 2019, ngoài tiền thưởng, công nhân Nhà máy còn được phát thêm tháng lương thứ 13 do hoàn thành vượt kế hoạch. Cùng với đó, Ban Giám đốc sẽ tổ chức cho công nhân vui đón Tết ngay tại Nhà máy.
Những năm trước, Nhà máy may Phù Yên chỉ sản xuất các mặt hàng như: Áo Jackets, đồng phục, bảo hộ lao động và túi siêu thị có giá trị gia công thấp, nhưng đến nay, Nhà máy đã hướng đến sản xuất những mặt hàng có giá trị gia công cao, như: Áo bông nhồi và áo nhồi lông vũ, đây là những mặt hàng đòi hỏi tay nghề công nhân cao. Hỏi chuyện chị Đinh Thị Ngân, Tổ trưởng Tổ 8, phân xưởng may, chị bộc bạch: Hầu hết công nhân ở Nhà máy đã làm việc ở đây 2-3 năm, vì vậy tay nghề và thu nhập cũng khá. Bây giờ, chúng tôi tự tin may những sản phẩm khó mà đường may vẫn đẹp, bảo đảm năng suất lao động cao, đúng thời gian giao hàng cho khách.
Để hỗ trợ Nhà máy hoạt động hiệu quả và thực hiện đúng cam kết thu hút đầu tư, tỉnh ta đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng trăm lao động địa phương làm công nhân may của Nhà máy. Đặc biệt, năm 2018 tỉnh ta đã giao Sở Công Thương thực hiện hỗ trợ Nhà máy may Phù Yên 7 máy đính cúc điện tử thay thế các máy cơ kém hiệu quả, giúp Nhà máy nâng cao thêm năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng kịp thời các đơn hàng có số lượng lớn.
Chia tay Nhà máy may Phù Yên, chúng tôi tin Nhà máy sẽ không ngừng phát triển thương hiệu, thu hút nhiều đơn hàng có giá trị kinh tế lớn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và mở rộng quy mô sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!