Trên mảnh đất Phù Yên trù phú hôm nay, không chỉ có lòng hồ sông Đà đầy ắp cá tôm, cánh đồng Mường Tấc màu mỡ cho lúa thơm, cơm dẻo, mà còn có những vườn cam trĩu cành trái ngọt. Với khát vọng vượt khó và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều tấm gương nông dân đã mạnh dạn khai thác mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng; chuyển đổi những mảnh nương, vạt đồi trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả có múi, từng bước mang lại ấm no cho gia đình, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Anh Đinh Công Hợp, bản Vường, xã Tân Lang chăm sóc vườn cam của gia đình.
Anh Đinh Công Hợp ở bản Vường, xã Tân Lang, cũng giống như bao chàng trai khác trong bản trước đây chỉ biết dựa vào nương ngô, nương sắn, không có vốn, nên phải nợ giống, phân bón, đến vụ thu hoạch trừ chi phí còn lại không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Sau thấy nhiều người trồng cam cho hiệu quả kinh tế, anh bàn với vợ, quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh Hợp kể: Bắt đầu chuyển sang trồng cam từ năm 2013, đến nay cũng được gần 6 năm. Tôi đã đi học hỏi trực tiếp tại các vườn cam trong và ngoài huyện, học tập qua sách báo, mạng internet và người quen để hoàn thiện thêm kỹ năng trồng và chăm sóc. Năm 2016, cây cho bói gần 2 tấn quả, năm nay dự kiến được 17 tấn quả, thu về hơn 500 triệu đồng.
Nhìn anh Hợp vun gốc, tỉa cành, chăm sóc vườn cam, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của anh đối với thành quả do chính mình tạo ra. Có được thành quả này anh cùng gia đình đã trải qua bao gian nan, vất vả. Hiện sản phẩm cam do gia đình anh trồng đã được cấp chứng nhận VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc nên đầu ra luôn ổn định, bán chủ yếu tại thị trường Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Hơn 1 ha cây cam đường đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi được xây dựng chính từ vườn cam, điều mà trước đây khi trồng ngô anh không bao giờ dám nghĩ tới.
Cũng như anh Đinh Công Hợp, anh Hoàng Văn Tếu, ở bản Băn, xã Mường Cơi cũng có những ngày tháng phải đi làm thuê khó khăn, vất vả. Ngày đó, bố anh bị tai biến, phải chạy chữa khắp nơi. Để có tiền chữa bệnh cho bố, anh không nề hà công việc gì từ đào hố, vác phân bón, tỉa cành, vun gốc trồng cam cho các hộ gia đình trong bản, trong xã. Nhưng cũng chính quãng thời gian khó khăn đó đã cho anh những kinh nghiệm để anh áp dụng vào vườn trồng cây ăn quả của gia đình mình. Anh Tếu chia sẻ: Năm 2012, thấy các hộ gia đình ở bản Văn Yên, xã Mường Thải trồng cây có múi cho hiệu quả kinh tế, tôi cũng mạnh dạn trồng theo. Năm ấy, do không có nhiều vốn nên việc cải tạo vườn do 2 vợ chồng tự tay làm hết. Nhìn mảnh nương rộng 2 ha, cỏ mọc cao hơn đầu người, ban đầu chúng tôi có nhụt chí. Nhưng khi nghĩ đến con nhỏ cùng bố mẹ già yếu ở nhà, 2 vợ chồng động viên nhau cố gắng, cứ thế, cỏ dại, đất, đá, được phát dọn thành những bãi đất bằng phẳng. Sau khi đất được cải tạo, anh lắp đặt hệ thống tưới và trồng hơn 700 gốc cam đường. Lấy ngắn nuôi dài, anh đã trồng xen bầu, bí, chanh đào... 3 năm sau, “đất không phụ công người”, cây ra bói, trừ hết chi phí, gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng và cứ thế tăng dần, năm nay dự kiến thu về gần 900 triệu đồng.
Xuất phát từ hai bàn tay trắng, bằng sự năng động, sáng tạo, anh Đinh Công Hợp và Hoàng Văn Tếu đã tạo dựng được cơ nghiệp vững chãi từ trồng cây ăn quả có múi. Với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, anh Hợp và anh Tếu đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Phù Yên vinh danh là hộ gia đình tiêu biểu tiên phong trồng cam, góp phần tạo dựng nên thương hiệu “Cam Phù Yên”, đặc sản của vùng đất Phù Hoa.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!