Mảnh đất Mường Tấc, Mường Va, Phù Hoa xưa, nay là huyện Phù Yên - huyện miền núi vùng hồ sông Đà của tỉnh ta, có diện tích tự nhiên 122.731 ha, dân số trên 110.000 người, với 7 dân tộc anh em: Mường, Thái, Kinh, Mông, Dao, Tày, Hoa cùng sinh sống.
Khách tham quan du lịch rừng thông Noong Cốp (Phù Yên).
Phù Yên là mảnh đất giàu tiềm năng về tài nguyên, du lịch, văn hóa, với tài nguyên du lịch thiên nhiên có: Hang bản Giáo (xã Huy Tân); hang Vàng, bản Mỏ (xã Tân Lang); hang Han 4, hang Han 5 (xã Mường Do); suối nước nóng Suối Chiếu (xã Mường Thải); khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa (gồm cánh rừng của xã Mường Thải, Phù Yên và cánh rừng của xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên nối liền).
Tài nguyên du lịch nhân tạo có: Hồ nhỏ bản Suối Chiếu, xã Mường Thải, hồ lớn sông Đà từ bản Pín (xã Nam Phong) ngược lên đến bản Phiêng Lương, xã Sập Xa, rộng 3.079 ha. Khu đồi thông Noong Cốp (xã Quang Huy) rộng trên 1.000 ha.
Tài nguyên du lịch văn hóa gồm: Đang Mường (hát dân ca của dân tộc Mường); khắp Thái (hát dân ca của dân tộc Thái); lễ hội Xíp Xí (lễ hội dân ca của dân tộc Thái); lễ hội Mợi của dân tộc Mường; lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội Cấp Sắc (lập tịch) của dân tộc Dao.
Về di tích lịch sử có: Đồn Mo, bản Mo (xã Quang Huy): đồn trung tâm của chi khu quân sự Phù Yên dưới thời thực dân Pháp tạm chiếm; di tích Đền Chu (bản Chiềng, xã Quang Huy): đền thờ tự chung của cả vùng Phù Yên; rừng Tướng Giáp (bản Nhọt, xã Gia Phù): vừa là di tích lịch sử vừa là tiềm năng tự nhiên; bia đá Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) tại Đá Phổ, xã Bắc Phong tại trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phù Yên.
Khánh Truyền (Chi hội Sử học huyện Phù Yên)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!