Thời tuổi thơ, tôi thường cùng bạn bè đồng trang lứa ra suối Tấc, đoạn có cây cầu treo vắt ngang từ địa phận bản Bó Hốc, xã Quang Huy sang bản Giáo, xã Huy Tân để nhặt rêu đá và ốc suối. Ngày ấy, cứ mỗi lần khát nước, chúng tôi lại rủ nhau ra mó nước ngay đầu bản Bó Hốc, xã Quang Huy (Phù Yên) lấy nước uống. Nước ở đó vừa trong, vừa mát lành và sạch lắm!
Mó nước Bó Hốc được xây lại để hạn chế ô nhiễm.
Bản Bó Hốc nằm yên bình bên cánh đồng Mường Tấc rộng lớn. Vừa xong mùa cấy, nên cánh đồng như một tấm thảm lụa xanh hứa hẹn một mùa bội thu. Đi qua cánh đồng, điều chúng tôi thấy đầu tiên là những mái nhà sàn san sát của đồng bào dân tộc Thái. Khung cảnh thật yên bình! Từ xa xưa, cuộc sống đồng bào dân tộc Thái ở đây đã gắn liền với ngôi nhà sàn và cả bản đều cùng nhau dùng chung một mó nước ngay đầu bản. Có lẽ vì thế mà tính cộng đồng của bà con nơi đây rất cao, gắn kết các thành viên với nhau chặt chẽ, cùng đoàn kết chung sống, xây dựng bản làng ngày càng đổi mới. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã đóng góp công, góp của xây nhà văn hóa khang trang, bê tông hóa đường nội bản, đường ngõ phong quang, sạch đẹp. Nhà nào cũng đã xây dựng các công trình nước sạch, nhà tắm hợp vệ sinh...
Nghe các cụ cao niên trong bản kể lại, từ rất lâu rồi, nơi đây còn là vùng đất hoang sơ, có nhóm người đi tha hương dừng chân, vừa đói vừa mệt, họ liền tìm nguồn nước để vơi cơn khát. Họ tìm thấy một mó nước chảy tự nhiên trong vắt, mát lành và ngọt như có đường, uống xong như tan biến mọi mệt mỏi; bèn cùng nhau khơi mó ra rộng hơn rồi quyết định lập bản sinh sống tại đây và đặt tên bản giống với tên gọi nơi quê cũ của họ - bản Bó Hốc.
Ông Đinh Văn Khén, bản Bó Hốc, chia sẻ: Mó nước Bó Hốc ngày xưa trong lành lắm, nó sạch đến nỗi Bệnh viện Đa khoa II khu vực Phù Yên vào lấy nước về để chưng nước cất phục vụ cho công tác tráng rửa dụng cụ y tế, hấp tiệt trùng, pha các loại chế phẩm y học phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người ta cũng tin rằng mó nước này thiêng lắm! Có năm, thời tiết có hạn hán kéo dài, nước tưới cho ruộng lúa tại con suối Tấc có cạn đi chăng nữa, thì mó vẫn đầy nước trong vắt cung cấp nước sinh hoạt cho bà con trong bản. Cũng có nhiều giai thoại xung quanh mó nước Bó Hốc mà đến nay vẫn còn, đó là trước khi những già ở bản nhắm mắt, tâm nguyện cuối cùng của họ là được uống một ngụm nước mó.
Chị Đinh Thị Hồng sinh ra và lớn lên tại bản Bó Hốc cho chúng tôi biết về phong tục vào nhà mới của đồng bào dân tộc Thái ở nơi đây, đó là phong tục độc đáo có liên quan đến mó nước này. Rằng, khi gia chủ đã cất xong một ngôi nhà, thầy mo sẽ chọn ngày lành, tháng tốt để làm lễ cúng cho gia chủ vào nhà mới. Đúng ngày đó, chủ nhà cầm 1 chiếc đèn dầu, 1 chút gạo cùng 1 chai nước đầy ắp bước vào nhà để cầu mong gia đình luôn mát mẻ, no ấm và sung túc. Chai nước cầm theo vào nhà đó được lấy tại mó nước Bó Hốc vì tin rằng nước sạch, nước thiêng sẽ giúp cho gia đình gặp thật nhiều may mắn.
Ngày nay, do trong quá trình chăm sóc lúa, bà con đã sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật làm cho mó nước đang gần như bị “bức tử”. Bản đã có những biện pháp như xây bể bằng gạch, miệng bể có nắp bảo vệ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố gây ô nhiễm từ bên ngoài. Nhưng, vì nguồn nước của mó chủ yếu là nước ngầm tự nhiên, nên không tránh khỏi sự ô nhiễm từ các tác động bên ngoài khi bà con nông dân còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách.
Bây giờ, người dân cũng hạn chế lấy nước ở mó nước Bó Hốc, lũ trẻ con cũng không còn dám uống nước ở đấy... Trở lại nơi đây, thăm cánh đồng Mường Tấc thân yêu, chợt thấy lòng nao nao nhớ về mó nước trong lành ngày nào, nhớ về tuổi thơ, nhớ những chiều ra mó gánh nước về dùng. Mó nước Bó Hốc trong lành hồi ấy đã tắm mát, nuôi dưỡng cả tuổi thơ tôi. Chợt lòng man mác với nỗi lo nguồn nước ô nhiễm từ các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà chính con người chúng ta gây ra.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!