Phát huy lợi thế, đề ra nhiều chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới với những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần đưa kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững... Đó là một trong những nội dung được Đảng bộ huyện Phù Yên lựa chọn trong nhiệm kỳ này, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống...
Xí nghiệp giầy Ngọc Hà (Phù Yên) tạo việc làm cho trên 1.500 lao động.
Bước vào nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Phù Yên đã xác định rõ những thuận lợi, khó khăn trong lộ trình phát triển kinh tế tại địa bàn. Trong đó, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, các nguồn lực tại chỗ còn hạn chế, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp... Những khó khăn đó đã phần nào tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong huyện. Do vậy, trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện đã đề ra những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục những khó khăn, đưa kinh tế của huyện phát triển nhanh và bền vững.
Mục tiêu đầu tiên phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế khá, bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ này, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của huyện, các cơ sở gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch ngành, các vùng kinh tế, vùng nguyên liệu, các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực, quy hoạch khu du lịch, đô thị và các cụm xã. Trong đó, sẽ bao gồm quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư, quy hoạch hạ tầng, thực hiện tốt quy hoạch về đất đai, tài nguyên. Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức đánh giá hiệu quả các mô hình kinh tế, có chính sách đầu tư mở rộng phát triển các mô hình có chất lượng, hiệu quả; ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Điều này đã được khẳng định rõ hơn khi vừa qua Phù Yên đã khởi công xây dựng nhà máy may và nhà máy gạch tuynel Phù Yên. Sau khi 2 nhà máy này đi vào sản xuất, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, sẽ còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa bàn.
Trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp thực hiện theo hướng CNH, HĐH gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất; phát huy lợi thế của từng vùng và thị trường tiêu thụ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và thực phẩm. Huyện tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng diện tích sản xuất vụ 3, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình lúa chất lượng cao, cây ăn quả có múi, nuôi gà thả đồi, nuôi cá lồng. Đồng thời, thực hiện dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, gieo trồng, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thực hiện tốt cơ chế chính sách đảm bảo cho người dân có đất, có rừng sống được bằng nghề rừng; chuyển đổi mạnh sản xuất cây trên nương, giảm diện tích canh tác cây ngắn ngày trên đất dốc. Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bán công nghiệp, trọng tâm là chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ, phòng ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đảng bộ cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển vốn rừng, tổ chức tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sử dụng hiệu quả vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ...
Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ phấn đấu hết nhiệm kỳ có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 50% số xã trở lên đạt các tiêu chí cơ bản về nông thôn mới, không còn xã thuộc nhóm khó khăn (dưới 5 tiêu chí)... Do vậy, Đảng bộ tập trung chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Qua đó, kịp thời rà soát điều chỉnh bổ sung, quy hoạch các xã đã được phê duyệt phù hợp với quy hoạch tổng thể và thực tiễn của từng địa phương. Cân đối các nguồn lực thực hiện đề án và xác định lĩnh vực ưu tiên, thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện đề án. Ngoài ra, chỉ đạo các cơ sở huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ chương trình nông thôn mới; huy động tối đa nguồn lực của địa phương, trong cộng đồng dân cư để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh...
Trong lộ trình phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ Phù Yên đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế, đây chính là tiền đề vững chắc, tạo động lực để Đảng bộ quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, đó là: Cơ cấu nông, lâm nghiệp đạt 28,5%; công nghiệp, xây dựng 31,6%; thương mại, dịch vụ 39,9%; thu nhập bình quân đầu người đến 2020 đạt 42 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt 90.000 tấn/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 50%; tổng thu ngân sách trên địa bàn 335 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm đạt 12.769 tỷ đồng...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!