Bao đời nay, người Mông trên khắp các địa phương đều chọn sống ở nơi rẻo cao và quen với tập quán canh tác lúa nương, trồng ngô, chăn nuôi đại gia súc. Đồng bào Mông ở bản Suối On, xã Kim Bon (Phù Yên) cũng không ngoại lệ. Mặc dù cuộc sống sinh hoạt còn gặp khó khăn, song bà con vẫn lưu giữ được nhiều nét giá trị văn hóa độc đáo.
Đồng bào Mông bản Suối On lưu giữ nghề thêu truyền thống.
Không giống như bà con dân tộc Thái, Mường thường chọn dựng bản dưới chân núi hay thung lũng bằng phẳng, 85 hộ đồng bào Mông ở bản Suối On chọn khu vực núi cao để dựng bản. Họ sống trong những ngôi nhà đất, có 4 mái, thường dựng từ 4 đến 5 gian với gian giữa là bàn thờ. Nhà người Mông thường thiết kế thấp, nhưng vững chắc để mùa đông có thể tránh được sương mù hắt vào nhà. Từ nhiều năm nay, bà con dân tộc Mông ở Suối On sống trong bình yên, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, nhà nào cũng nuôi trâu, bò, dê; trồng thóc, ngô và làm thêm các nghề phụ như: Đan lát, rèn, thêu dệt...
Trong khi trang phục dân tộc ở nhiều nơi khác đang dần thay thế bằng những bộ quần áo may sẵn thì phụ nữ Mông ở bản Suối On vẫn hàng ngày thêu dệt, may váy áo để lưu giữ giá trị truyền thống của dân tộc mình. Rất nhiều cô gái người Mông được mẹ truyền dạy kỹ thuật thêu thùa từ rất sớm. Những lúc nông nhàn, các mẹ, các chị đều thoăn thoắt đôi tay tự se lanh, nối lanh để may váy áo cho chính mình. Chị Giàng Thị Phành, ở bản Suối On, cho biết: Vải lanh được người Mông chuộng dùng để may váy áo vì có độ bền cao, bộ váy áo của phụ nữ Mông thường được thêu bằng len với những sắc màu rực rỡ như: Trắng, xanh hay vàng... Một năm bà con thường tranh thủ thêu và có thể hoàn thành từ 3 đến 4 chiếc váy.
Cũng giống như đồng bào Mông ở các địa phương khác, người Mông Suối On cũng rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên coi đây là việc làm ghi nhớ công lao của tổ tiên. Tuy nhiên, có điểm đặc biệt là họ vẫn giữ phong tục tự tráng giấy thờ. Cứ dịp tết đến, nhà nhà lại rủ nhau vào rừng chặt những đoạn giang già về luộc chín cùng với tro bếp rồi đập nát trên những chiếc thớt lớn, giang đập xong được ngâm rồi lọc lấy nước, sau bốc hơi sẽ để lại một lớp giấy mỏng, màu hơi vàng, rất bền và dai. Đó chính là thứ giấy truyền thống vô cùng độc đáo không thể thiếu trong đời sống tâm linh của họ.
Trải qua bao đổi thay, giờ đây đồng bào Mông ở bản Suối On vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với việc nỗ lực loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, người Mông bản Suối On đang tiếp tục phát huy những nét đẹp mang tính tích cực để bản sắc dân tộc Mông nơi đây mãi được bảo tồn.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!