Mường Thải khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế

Những năm gần đây, xã Mường Thải (Phù Yên) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung chuyển diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi; nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Suối Chiếu...

Các hộ dân bản Chiếu, xã Mường Thải (Phù Yên) nuôi cá lồng trên hồ Suối Chiếu.

Ngoài sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh, xã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả có múi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nhân dân; khuyến khích các hộ, nhóm hộ thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng cây ăn quả có múi để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Đinh Đức Quy, Chủ tịch UBND xã, cho hay: Mường Thải hiện có 184 ha cây ăn quả (128 ha cây ăn quả có múi), gồm: Cam đường canh, cam Vinh, cam V2; các giống quýt ngọt, bưởi Diễn, bưởi da xanh và một số giống chanh đào, chanh tứ quý; hơn 7 ha chanh leo và 49 ha nhãn, xoài. Năm 2018, diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch gần 100 ha, sản lượng trên 2.000 tấn.

Nằm dọc theo quốc lộ 37, Văn Yên là bản đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những nương sắn, nương ngô kém hiệu quả trước đây đang được thay thế bằng những vườn cam, bưởi. Trong bản, gia đình bà Đỗ Thị Tươi trồng nhiều cây ăn quả nhất với trên 3 ha, trồng 1.200 gốc cam Vinh, cam đường và đang trồng thử nghiệm bưởi da xanh, bưởi Diễn theo quy trình VietGAP. Bà Tươi cho hay, ngay từ năm 2011, nhà bà bắt đầu trồng các loại cây ăn quả có múi, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân vi sinh, phân chuồng, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng quả khá cao, sản phẩm dễ tiêu thụ. Năm nay, giá bán trung bình 1 kg cam tại vườn là 25.000 đồng, nên trừ mọi chi phí nhà tôi vẫn thu về hơn 1 tỷ đồng.

Nhằm khai thác hiệu quả hơn 31 ha mặt nước hồ thủy lợi Suối Chiếu, Mường Thải phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi cá lồng, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, khuyến khích các hộ gia đình tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn nuôi cá. Bây giờ, toàn xã có trên 50 lồng cá, sản lượng 37,4 tấn/năm. Gia đình ông Mùi Hải Quân và 14 hộ khác trong bản Chiếu trước đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, nay đã chuyển từ đánh bắt sang nuôi cá lồng. Ông Quân cho biết, sau khi được tham gia tập huấn kỹ thuật do cán bộ xã, huyện tổ chức, gia đình ông đã đầu tư làm 2 lồng sắt nuôi các loại cá trắm, chép, trôi; thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm.

Chủ tịch xã Đinh Đức Quy thông tin thêm: Mấy năm trở lại đây, xã còn phát triển mô hình làm du lịch cộng đồng ở bản Chiếu. Khách du lịch khi đến đây được tắm nước khoáng nóng, du ngoạn trên lòng hồ, được thưởng thức những món đặc sản dân tộc do bà con chế biến từ cá nuôi trên hồ... không chỉ mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới