Mong mỏi có một con đường

Cách trung tâm xã chừng 3 km nhưng bao năm qua, 80 hộ dân của 2 bản Cà và Tường Cà, xã Tân Lang (Phù Yên) vẫn phải thường xuyên qua lại con đường đã xuống cấp, khó đi, nhất là khi mưa xuống. Nếu trời không mưa thì chỉ những ai quen đường, tay lái cứng mới dám điều khiển xe máy vượt qua những đoạn đường chủ yếu là đá nằm đầy mặt đường... Bởi vậy, cuộc sống của người dân nơi đây còn những khó khăn, điều mà họ mong mỏi nhất là được đầu tư nâng cấp con đường lên bản....

Một đoạn đường đất về bản Tường Cà. 

Trở lại bản Cà và Tường Cà sau nhiều lần lỗi hẹn với bà con nơi đây. Con đường đất dốc với cơ man là đá không có gì thay đổi nhiều so với 4 năm trước, thậm chí có phần xuống cấp hơn. Từ tỉnh lộ 114 rẽ phải lên 2 bản đường đã hỏng, đi lại khá gian nan. Thay vì đi bằng xe máy như trước đây, để trải nghiệm cảm giác thót tim, mồ hôi đẫm người hay giật mình mỗi khi xe máy cứ chồm lên như một chú ngựa hoang, lần trở lại này, tôi quyết định đi bộ cùng mấy người dân ở bản Mỏ lên bẻ ngô thuê trên bản Cà. Thấy tôi đi bộ, một người trong nhóm cười ái ngại: Nhà báo có đi được không? Đi bộ lên đến bản cũng phải gần tiếng đồng hồ đấy.

Ngược dốc lên bản Cà và Tường Cà được chừng 20 phút, tôi bắt đầu thở gấp, mồ hôi đã đẫm người. Biết tôi là nhà báo, muốn tìm hiểu về con đường, nên mấy người trong nhóm đã gọi một thanh niên đi xe máy đang ngược dốc để chở tôi. Tuy nhiên, ngồi sau xe máy được một đoạn tôi đã phải xin xuống đi bộ. Bởi lẽ con đường đá đi rất xóc, ngồi sau bám chặt vào ghi đông xe nhưng người cứ chực rơi ra ngoài. Đúng là đi bộ mệt nhưng cảm giác yên tâm hơn ngồi sau xe máy để vượt qua những đoạn dốc đầy đá hộc. Xuống đi bộ được một đoạn, tôi bắt gặp từng đoàn người đi xe máy xuôi xuống xã. Hỏi ra được biết, họ đều là những người ở các bản dưới lên thu mua ngô, chở ngô hay bẻ ngô thuê cho các hộ của 2 bản trên. Anh Hà Văn Thướng, một trong những người thường xuyên qua lại con đường này, nói: Bình quân mỗi ngày tôi đi lại con đường này khoảng 6 lần. Mỗi khi mưa xuống đi lại cực kỳ khó khăn, đến ngựa đi còn trượt chân. Trời nắng phải tay lái cứng mới dám đèo ngô xuống. Cũng bởi đường khó đi nên nông sản của bà con bán không được giá như các bản khác. Như vụ năm nay, ngô bẻ tại nương bán bao giờ cũng bị mất 4-5 giá so với các bản khác. Chỉ mong nhà nước hỗ trợ làm đường giúp bà con đi lại thuận tiện hơn.

Đến bản Cà sau gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, tôi ghé thăm gia đình cựu chiến binh Đinh Văn Có, là hộ gốc ở bản Cà. Trong câu chuyện về con đường lên bản, ông Có cho biết: Bà con trong bản sẵn sàng góp công, góp tiền để cùng với nhà nước đầu tư, nâng cấp con đường. Đi lại như này vất vả quá. Mỗi lần có việc xuống xã, ra huyện hay đi chữa bệnh nghĩ đến đoạn đường phải đi mà ái ngại. Như gia đình tôi năm nay có cháu nội học ngoài trung tâm xã, nếu ngày nào cũng 4 lượt đưa đón cháu thì rất mất thời gian. Nếu để các cháu tự đi xe máy thì sẽ vi phạm vì chưa đến tuổi. Đi xe đạp thì càng không thể đi được... Bà con trong bản cũng đã kiến nghị rất nhiều rồi. Điều chúng tôi mong mỏi nhất vẫn chỉ là con đường. Như tôi sức khỏe yếu cộng với tuổi tác, nên mấy năm gần đây không dám ngồi sau xe máy nữa mà chuyển sang đi bộ cho yên tâm...

Trao đổi vấn đề này với Ban Quản lý dự án huyện Phù Yên, được biết: Đường lên bản Cà và Tường Cà trước đây là đường giải cấp phối thuộc dự án đầu tư cho bản TĐC thủy điện Hòa Bình. Tuyến đường này rất nhiều xe tải qua lại chở nông sản nên hiện nay đường đã xuống cấp, đi lại khó khăn. Trong năm nay, huyện có 28 công trình nằm trong kế hoạch đầu tư xây dựng thuộc các chương trình, dự án, trong đó có 5 công trình giao thông nhưng không có vốn dành cho đầu tư, sửa chữa đường lên bản Cà. Trong thời gian tới, nếu được phân bổ kinh phí Ban sẽ tham mưu cho huyện đầu tư nâng cấp tuyến đường này.

Trao đổi thêm với lãnh đạo của bản Cà và Tường Cà, được biết: Cũng bởi đường xuống cấp đi lại quá khó khăn, nên việc người dân qua lại tuyến đường này bị ngã xe máy, thậm chí ngã bị thương tích... là chuyện không xa lạ. Trong 2 bản thì bản Tường Cà là bản di chuyển dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình từ năm 2005. Các bản cũng đã kiến nghị rất nhiều về con đường nhưng đến nay vẫn chưa được nâng cấp, sửa chữa. Như trong năm học này, cả 2 bản có khoảng 20 học sinh xuống học ở trung tâm xã. Do trường chưa tổ chức nấu ăn bán trú nên việc đi lại của các cháu sẽ do bố mẹ đưa đón. Nếu để các cháu đi bộ cũng không được, đi xe đạp thì càng khó bởi khi về chỉ có thể dắt bộ. Nếu được nhà nước đầu tư nâng cấp đường, nhân dân 2 bản sẵn sàng góp công, góp tiền làm đường. Rất mong huyện Phù Yên quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp đường, giúp cho việc đi lại của nhân dân thuận tiện hơn.

Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới