Mía ngọt Tường Phù

Đi qua địa phận xã Tường Phù (Phù Yên) dễ dàng nhận thấy 2 ven đường có nhiều hàng quán ép nước mía làm giải khát phục vụ nhu cầu khách qua đường; những chai nước mía ép bày bán làm quà cho người thân. Nước mía ngọt đậm, có vị thơm mang hương vị riêng biệt chỉ có ở Tường Phù. Chính vì ưu điểm này, cây mía nơi đây phát triển thành hàng hóa, mang lại thu nhập khá cho người trồng mía.

Mía Tường Phù được ép lấy nước giải khát phục vụ nhu cầu khách hàng.

Cây mía ở Tường Phù đã gắn bó với người dân địa phương từ bao đời nay, các gia đình trồng mía phục vụ sinh hoạt gia đình và thờ cúng vào ngày Tết cổ truyền. Hiện, toàn xã có khoảng 200 hộ trồng mía, với tổng diện tích 45 ha mía, tập trung ở các bản: Bùa Chung 1, 2, 3; Nà Lè 1, 2, 3; Bùa Hạ 1, 2 và bản Đông 2. Nếu được chăm sóc tốt, thân cây mía cao cỡ 4 m, trọng lượng 7 kg/cây, mía có nhiều nước, ngọt đậm, hương thơm đặc trưng. Mía Tường Phù chủ yếu ép lấy nước giải khát, được tư thương từ các huyện trong tỉnh như: Mộc Châu, Mai Sơn đến mua, ngoài ra tư thương từ các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội cũng tìm đến mua, đem lại nguồn thu nhập bình quân của người trồng mía từ 100-300 triệu đồng/hộ/năm.

Dừng chân bên quán nước của chị Lò Thị Hiềm, bản Bùa Chung 3, chị cho biết: Gia đình tôi có khoảng 3.000 m² đất trồng mía, ngoài bán mía cây cho khách hàng, gia đình còn mở dịch vụ ép mía lấy nước giải khát bán cho khách qua đường. Một cây mía bán 10.000 đồng tại nương cho tư thương, nhưng nếu ép lấy nước bán sẽ được khoảng 35.000 đồng/cây. Trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 100 cốc nước mía, thu 500.000 đồng. Cũng có nhiều khách hàng sau khi uống đã mua nước mía ép đựng chai về làm quà.

Được biết, mía chủ yếu được trồng trên đất thoải dốc, bà con tạo đường đồng mức, đào rãnh theo hàng, trồng từ tháng 4 bằng ngọn hoặc khúc mía cây; đến khoảng tháng 10 thì được thu hoạch. Khâu chăm sóc mía khá đơn giản, chỉ cần cho ít phân chuồng và phân NPK, không phải tưới nước, với đặc điểm cây cao nên bà con đóng cọc, chằng dây giữ cho cây mía không bị đổ. Cây mía có sức đề kháng cao, rất ít bị sâu bệnh; để gióng mía dài, thẳng, phải thường xuyên bóc bẹ. Mía được chăm sóc tốt thì sau 4-5 năm mới phải trồng lại.  

Anh Lò Văn Năn, bản Bùa Chung 3, Tường Phù kể: Gia đình tôi có 1,5 ha đất, trước đây trồng nhãn, xoài, đến năm 2000, tôi chuyển 6.000 m2 sang trồng mía địa phương.  Cây mía cho hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình đã trồng mía trên toàn bộ 1,5 ha, mỗi năm thu 180 triệu đồng, trừ chi phí lãi 170 triệu đồng. Trồng mía không vất vả, chỉ mất công bóc bẹ mía, chằng dây và thu hoạch. Hiện, mía là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Nguồn thu từ mía gia đình tôi đã xây được ngôi nhà kiên cố khang trang.

Nói về cây mía địa phương, anh Sa Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tường Phù cho biết: Hiện nay, mía là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập khá cho bà con. Chất đất, khí hậu phù hợp, tiềm năng phát triển mía lớn, song xã chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho cây mía Tường Phù, chủ yếu bà con tự tìm thị trường nhỏ lẻ, nên diện tích còn khiêm tốn. Hiện, xã chỉ đạo các bản duy trì diện tích trồng mía hiện có và chăm sóc tốt để nâng cao năng suất, đảm bảo đầu ra sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Hy vọng trong tương lai, mía Tường Phù sẽ được nhiều người, nhiều nơi biết đến, góp phần giúp người dân Tường Phù xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới