Ngoài những mô hình trồng thanh long ruột đỏ, trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP, hay nuôi vịt bầu cổ xanh đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, thì ở xã Tường Phù (Phù Yên), cây mía cũng đang giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.
Mô hình trồng mía của hộ gia đình ông Hoàng Văn Dung, bản Đông 1.
Tháng 6, mía Tường Phù đang vào vụ, đi dọc quốc lộ 37, thuộc địa phận xã, có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe chở đầy ắp những bó mía dài, buộc đều thẳng tắp. Niên vụ 2017-2018, toàn xã trồng 45 ha mía, năng suất ước đạt trên 40 tấn/ha, sản lượng thu trên 1.800 tấn. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cầm Thị Nè: Ngay từ đầu niên vụ, xã đã chỉ đạo các bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tập trung phát triển và mở rộng diện tích trồng mía. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giống, vật tư phân bón và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân, chú trọng đưa các giống mía mới có năng suất cao vào trồng. Mía ở xã bán chủ yếu cho thị trường trong huyện. Giá thu mua tại vườn khá ổn định, từ 5.000 - 10.000 đồng/cây. Các hộ thu hoạch đến đâu, thương lái mua hết đến đó, nên bà con phấn khởi lắm.
Tìm hiểu thêm được biết, vùng mía trong xã tập trung ở các bản Đông 1, 2; bản Bản Bùa Chung 1, 2, 3; trong đó, bản Bùa Chung 3 có diện tích trồng mía lớn nhất, với hơn 10 ha. Theo kinh nghiệm của người dân trong vùng, cây mía rất dễ sống, đất cằn cũng có thể trồng được, mỗi gia đình có thể tận dụng mảnh đất vườn sau nhà, hay bờ ao, góc tường rào, mảnh nương để trồng mía. Hơn nữa, trồng mía lại không mất nhiều công chăm sóc, bà con xuống giống từ tháng 2 âm lịch, trong khoảng thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ cần làm cỏ 1 lần và bón lót nên tốn ít chi phí. Ở bản Bùa Chung cũng như nhiều bản trồng mía khác trong xã, bà con làm cỏ theo phương pháp truyền thống nên không gây tác động xấu đến môi trường. Mía ở đây có vị ngọt, mềm hơn nơi khác và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ trồng mía, nhiều hộ đã thoát nghèo, thậm chí xây được nhà mới khang trang, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt hiện đại, như gia đình: Ông Lò Văn Hồng (bản Đông 2), Lò Văn Viết, Hoàng Văn Niền, Lò Văn Nâm (bản Bùa Chung 3)... mỗi hộ có hơn 1 ha trở lên, hàng năm thu gần 100 triệu đồng từ trồng mía.
Lấy cốc nước mía mát mời khách, ông Hoàng Văn Dung, bản Đông 1, phấn khởi nói: Đến vụ thu vào tháng 5, tháng 6, ngày nào tôi cũng đều đặn chở 2 xe mía vào huyện. Vụ mía năm nay, năng suất, chất lượng đều không bằng năm ngoái. Do trong thời gian mía sinh trưởng và phát triển thời tiết mưa nhiều làm xuất hiện sâu bệnh hại. Tuy nhiên, gia đình tôi đã chủ động diệt trừ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Mía tuy không được mùa, nhưng bán được giá. Thời điểm này đang vụ thu rộ, gia đình tôi còn bán nước mía ép và bán đổ mía cây cho các đầu buôn. Tính ra cũng được hơn 1 triệu đồng/ngày từ tiền bán mía. Cây mía đã giúp gia đình tôi khấm khá.
Đi dọc dốc Ba Khổ, có đến gần trăm hàng bán mía ép. Vụ thu mía rơi vào đúng những tháng hè oi ả nên nước mía rất được ưa chuộng. Chốc chốc, chúng tôi lại thấy những chiếc xe máy, ô tô dừng lại để khách nghỉ chân, uống nước mía. Cây mía đối với người dân đúng là cây “thoát nghèo”. Tuy nhiên, cây mía nơi đây tiêu thụ chủ yếu là bán lẻ, phục vụ nhu cầu giải khát, nên thu nhập chưa cao. Nếu mở rộng diện tích và thâm canh và liên kết với nhà máy đảm bảo bao tiêu sản phẩm ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”, để mỗi vụ mía sẽ mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!