Màu xanh rừng Tướng Giáp

Cách đây 65 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội trên đường hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên chiến trường Điện Biên Phủ, đã dừng chân tại khu rừng bản Nhọt, thuộc xã Gia Phù, huyện Phù Yên. Kể từ đó, khu rừng được nhân dân các dân tộc nơi đây giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc chu đáo, cây cối xanh tốt quanh năm.

Khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người dân bản Nhọt 1, xã Gia Phù giữ gìn, bảo vệ.

Khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm giữa hai dãy núi cao. Chỉ vừa mới đến cửa rừng, chúng tôi đã cảm thấy dễ chịu bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ. Đã có hẹn từ trước, nên khi chúng tôi tới, đã thấy ông Lò Văn Linh, trưởng bản Nhọt 1 đang đứng đợi ngay cửa rừng, ông dẫn chúng tôi men theo con đường mòn vào rừng. Mới đi được một đoạn ngắn, chúng tôi đã thấy những cây chò chỉ, lát, dổi, pơ mu cổ thụ mấy người ôm không xuể.  Khu rừng khá ẩm ướt, lá rụng thành nhiều tầng xốp ẩm. Quanh lối mòn, nhiều loại cây đang đơm hoa kết trái, khiến cả khu rừng tỏa mùi hương dìu dịu, man mát. Dưới những tán cổ thụ, những tia nắng ban mai xuyên qua kẽ lá, chim ríu rít trên cành, cả khu rừng bừng lên, sống động.

Nghỉ chân bên một gốc cây cổ thụ, ông Linh kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời kỳ đó, khu rừng bản Nhọt thực sự là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, án ngữ một vị trí đắc địa, có ý nghĩa chiến lược trên đường 13 (quốc lộ 37 hiện nay). Trong rừng có một khu bằng phẳng, dòng suối Bùa chảy qua đây, những tán cây đan xen tạo thành “tấm lá chắn” tự nhiên che khuất tầm nhìn của máy bay địch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, khu rừng bản Nhọt đã trở thành nơi trú quân của nhiều đơn vị chủ lực, như: Trung đoàn 57, các Đại đoàn 312, 315, 316... Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số sĩ quan chỉ huy lên Tây Bắc theo đường 13, đoàn qua bến Bình Ca, đèo Khế, rồi nghỉ chân ở khu rừng bản Nhọt. Máy bay địch liên tục do thám và ném bom bắn phá, nhưng mây mù, cùng lớp lớp cây rừng dày đặc đã trở thành “mái nhà” che chở an toàn cho đoàn quân. Kể từ đó, khu rừng trên 200 ha này được nhân dân trìu mến gọi là “Rừng Tướng Giáp”, được nhân dân địa phương tự giác giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Tháng 3/2008, khu rừng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi đây đã trở thành điểm tham quan di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, du lịch sinh thái hết sức thú vị và hấp dẫn.

Trên đường khám phá khu rừng, chúng tôi gặp đoàn giáo viên, học sinh Trường THPT Gia Phù đang thực hiện buổi ngoại khóa tìm hiểu lịch sử địa phương. Cô giáo Hà Thị Lê Na, Bí thư Đoàn trường chia sẻ với chúng tôi: Mỗi lần đến đây, các em học sinh được giới thiệu những bài học lịch sử liên quan đến khu rừng, những nơi trong rừng Đại tướng dừng chân, đài quan sát trên đồi suối Hiền, trạm quân y dã chiến bên dòng suối Bùa, sở chỉ huy trên ngọn suối Tắc Tè, bên sườn đồi Tang Tú... qua đó, giúp các em thêm yêu, thêm trân trọng và nhận thức sâu sắc về việc giữ gìn và bảo vệ rừng và hệ sinh thái tự nhiên nơi đây.

Chúng tôi cũng được biết thêm, trong đề án phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Phù Yên đã xây dựng tour du lịch từ hồ Suối Chiếu đi rừng Noong Cốp, đến Ao Noong Bua rồi ra rừng Tướng Giáp, điểm cuối là du lịch lòng hồ sông Đà. Với những định hướng đúng đắn của chính quyền và sự nỗ lực bảo vệ của nhân dân địa phương, khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã và đang phát triển, luôn xanh tươi, để không những là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy truyền tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, mà còn là điểm du lịch “về nguồn” hấp dẫn.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới