Xã Mường Bang (Phù Yên) là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mường, nên những phong tục tập quán của người Mường ở đây rất rõ nét, đặc trưng nhất là cách xây dựng và bố trí nhà ở.
Nhà sàn của dân tộc Mường ở bản Sọc, xã Mường Bang (Phù Yên).
Tuy nhiên, hiện nay do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, những ngôi nhà sàn dựng theo kiểu truyền thống giờ đã dần bị thay thế bằng những ngôi nhà sàn bê tông hóa với sự thay đổi cơ bản về cấu trúc cũng như cách làm cho phù hợp với điều kiện kinh tế và sinh hoạt của mỗi gia đình.
Tìm gặp những cụ cao niên trong xã, chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện về việc dựng nhà sàn của người Mường xưa. Trước đây, người Mường luôn dựng nhà dựa lưng vào núi, mặt hướng ra suối, họ tận dụng những vật liệu sẵn có trong rừng đểdựng nhà như: Thân cây gỗ to để làm cột cái, nứa làm vách, tre làm sàn và mái nhà thường được lợp bằng cỏ gianh. Ngoài ra, bà con còn sử dụng đinh làm bằng gỗ, tre, chêm gỗ để cố định mộng chính và dùng các loại dây leo bện để níu những mộc phụ theo hình chữ X. Sau khi lắp mộng, dựng khung, cột nhà được chôn thẳng xuống những hố đã đào sẵn sâu từ 20-30 cm, cột càng cao thì ngôi nhà sẽ càng thoáng mát và tránh được những tác động của thiên tai hay thú dữ.
Nhiều năm trở lại đây, theo nhu cầu cuộc sống hiện đại, việc kiên cố hóa nhà ở đã phần nào làm thay đổi cấu trúc cơ bản và những đặc trưng vốn có của nhà sàn truyền thống. Nhiều hộ gia đình đã bê tông hóa nhà sàn bằng việc dựng nhà sàn hai tầng với tầng dưới xây bằng gạch kiên cố, sàn lát gạch men; tầng trên có vách dựng hoàn toàn bằng gỗ kết hợp phun sơn để tạo màu và tránh mối mọt; mái nhà lợp Proximăng, ngói hoặc tôn mát. Một số nhà sàn còn giữ được dáng vẻ truyền thống cơ bản bên ngoài nhưng cách bài trí bên trong có sự thay đổi rõ rệt. Việc cải tiến nhà sàn bằng bê tông hóa đã giảm một nửa chi phí so với dựng hoàn toàn bằng gỗ, đồng thời giải quyết vấn đề thiếu nguyên vật liệu xây dựng do nguồn gỗ hiện nay đã dần cạn kiệt. Tuy nhiên, nếu xu hướng này phát triển, những giá trị văn hóa của người Mường được lưu giữ, truyền đời trong nếp nhà sàn sẽ dần mai một. Chính vì vậy, rất cần có sự vào cuộc của chính quyền và cả nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường.
Là một trong những hộ có nhà sàn đẹp nhất xã, anh Hà Văn Hồng, bản Bang, xã Mường Bang, cho biết: Do ngôi nhà sàn cũ dựng đã được nhiều năm, không còn chắc chắn nữa nên gia đình cố gắng dựng ngôi nhà sàn mới, hai gian, hai trái với diện tích hơn 120 m2, giá thành khoảng 600 triệu đồng. Bao đời nay, người Mường ở nơi đây vẫn quen sống trong nhà sàn, tuy điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với mưa rừng, gió núi và khí hậu ẩm ướt quanh năm, nhưng nhà sàn rất chắc chắn, bền với thời gian, hơn nữa, lại rất thoáng mát vào mùa hè, nên tôi đã chọn làm nhà sàn vừa phù hợp với mục đích sinh hoạt của gia đình, lại lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống mà ông cha để lại.
Ngày qua ngày, đồng bào dân tộc Mường ở Mường Bang vẫn sinh sống yên ấm bên trong ngôi nhà sàn. Cuộc sống dù có nhiều đổi thay, có những hộ dân dỡ nhà sàn để làm nhà xây, nhưng rồi lại quay về dựng nhà sàn để ở. Ngôi nhà sàn vừa có giá trị vật chất, vừa mang giá trị tinh thần, là một nét văn hóa truyền thống gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Mường mà chúng ta cần phải lưu giữ.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!