Liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm ở xã Quang Huy

Về xã Quang Huy (Phù Yên), chúng tôi được tận mắt chứng kiến các sản phẩm thổ cẩm phong phú về kiểu mẫu, hoa văn, màu sắc được làm từ bàn tay khéo léo của các thành viên Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm, họ không những lưu giữ nghề truyền thống dân tộc mà còn tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thêm thu nhập.

Thành viên Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm xã Quang Huy 

kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán.

Nói về Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm, chị Cầm Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Huy cho biết: Nhằm lưu giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái, tận dụng quỹ thời gian nông nhàn của các hội viên phụ nữ và cũng là để tăng thêm thu nhập, đáp ứng nhu cầu sử dụng mặt hàng thổ cẩm trong đời sống sinh hoạt, năm 2018, Hội LHPN xã đã thành lập Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm, với 30 thành viên tham gia. Trong thời gian qua, Hội LHPN xã khuyến khích các thành viên tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, mở rộng thị trường, yên tâm gắn bó với nghề. 

Để hoạt động hiệu quả, Tổ đã xây dựng quy chế: Mỗi quý họp các thành viên một lần để trao đổi kinh nghiệm, tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới; bàn bạc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Hội LHPN xã đã tạo điều kiện cho các thành viên trong Tổ vay 150 triệu đồng để đầu tư sản xuất từ Chương trình tín dụng tiết kiệm của Hội. Tuy mới hoạt động hơn một năm, nhưng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, số lượng sản phẩm ngày càng tăng và được khách hàng nhiều nơi đến mua hàng. Năm 2018, Tổ đã sản xuất được 600 cuộn vải thổ cẩm các loại, 5.000 chiếc gối, 100 chiếc đệm và hơn 20 chiếc chăn, thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/thành viên/tháng.

Chị Lò Thị Khướng chia sẻ: Tôi theo nghề dệt thổ cẩm đã hơn 30 năm. Nhưng trước đây, chủ yếu là dệt để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, chứ không nghĩ đến sản xuất thành hàng hóa. Từ khi thành lập Tổ liên kết, tôi nhận vải thổ cẩm của các thành viên và gia công thành các mặt hàng, như: Ghế đệm, chăn, gối, đệm. Riêng năm 2018, tôi đã sản xuất được 600 chiếc ghế đệm, hơn 1.000 chiếc gối, 100 chiếc đệm và hơn 20 chiếc chăn, xuất bán cho bà con trong xã, huyện Phù Yên, Mộc Châu và một số tỉnh Nghệ An, Yên Bái. Các mặt hàng thổ cẩm thường được khách hàng đặt nhiều nhất từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau. Trừ chi phí, cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, ngoài ra còn tạo việc  làm cho 4-5 lao động, với tiền công gần 4 triệu đồng/người/tháng. 

Còn chị Đinh Thị Việt, bản Bó Hốc cũng là thành viên của Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm nói: Trong thời gian nông nhàn, tôi tranh thủ dệt thổ cẩm. Bây giờ, dệt vải thuận lợi hơn, vì nguyên liệu các loại sợi tự nhiên, sợi len đủ sắc màu đều bán nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, để dệt thành tấm vải thổ cẩm cần xử lý nhiều bước như: Ngâm nước, giặt, ngâm hồ, phơi, se chỉ... rồi dệt theo các mẫu như vải kẻ, mặt chăn đỏ, đệm có hoa văn với nhiều loại hình khác nhau. Trong đó, dệt khó và mất thời gian nhất là mẫu chăn đen, vì hoa văn khá phức tạp. Để dệt được thổ cẩm đòi hỏi phải kiên trì, khéo léo. Bình quân mỗi năm, tôi dệt được khoảng 100 cuộn vải thổ cẩm các loại, trừ chi phí lãi khoảng 40 triệu đồng, số tiền này giúp gia đình trang trải sinh hoạt. 

Thực tế cho thấy, Tổ liên kết sản xuất mặt hàng thổ cẩm của Hội LHPN xã Quang Huy đã tạo việc làm cho hội viên trong thời gian nông nhàn, đồng thời góp phần lưu giữ nghề truyền thống. Thời gian tới, Tổ tiếp tục sản xuất mặt hàng truyền thống và sáng tạo thêm kiểu mẫu mới phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng; tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch truyền nghề cho thế hệ trẻ trong xã. Để duy trì mô hình hoạt động hiệu quả, Tổ liên kết sản xuất mặt hàng thổ cẩm rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành nói chung và Hội Phụ nữ nói riêng về đào tạo nâng cao tay nghề, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho phụ nữ ở nông thôn.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới