Kim Bon nỗ lực xóa đói nghèo

Điều kiện địa hình chủ yếu là đồi, núi cao, độ dốc lớn; nhân dân sống không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều, là nguyên nhân dẫn đến kinh tế của xã Kim Bon (Phù Yên) gặp nhiều khó khăn. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 48%.

 

Nông dân xã Kim Bon (Phù Yên) trồng dong riềng nâng cao thu nhập.

Để thoát nghèo, ngoài khai thác hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước, xã Kim Bon đã vận động nhân dân thâm canh tăng vụ, đầu tư phát triển các giống lúa chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh cải tạo đất đồi dốc để trồng lúa, ngô, sắn, dong riềng... Đến thời điểm này, nhân dân trong xã thâm canh gần 55 ha lúa nước, gần 1.800 ha ngô; 60 ha sắn và 203 ha dong riềng. Bên cạnh đó, bước đầu bà con khai thác tiềm năng ở địa phương để phát triển đàn vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa...

Ngô là cây trồng chủ lực ở xã, do vậy, để nâng cao năng suất cây trồng này, Kim Bon đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trồng thí điểm một số giống ngô lai ngắn ngày như: Bioseed 9698, LVN 092... cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo nguyên tắc “4 đúng”. Riêng vụ ngô xuân hè năm nay, năng suất bình quân ước đạt 5 tấn/ha, sản lượng khoảng 9.000 tấn ngô bắp.

Với lợi thế về diện tích bãi chăn thả, xã đã vận động bà con chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi tập trung; xây dựng các mô hình trang trại vừa và nhỏ; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, nhất là tiêm vắc xin định kỳ cho đàn vật nuôi để phòng chống dịch bệnh; làm chuồng trại kiên cố để nuôi nhốt chuồng; trồng 50 ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc...Hiện, toàn xã có 3.224 con trâu, bò, 2.720 con lợn trên 2 tháng tuổi, 2.158 con dê và 94 con ngựa...

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Súa, bản Kim Bon, là điển hình trong phát triển chăn nuôi của xã. Anh Súa chia sẻ: Năm 2014, tôi vay 18 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Yên mua 2 con bò giống địa phương. Ngoài được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò, tôi còn được nhà nước hỗ trợ trồng 3.000m2 cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Gia đình còn mua thêm bò, ngựa giống để mở rộng quy mô đàn. Hiện, gia đình đã có 8 con bò, 10 con ngựa. Trung bình một năm gia đình tôi thu gần 80 triệu đồng từ chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp giảm nghèo bền vững của xã trong thời gian tới, ông Bàn Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Kim Bon, cho biết: Từ điều kiện thực tế của địa phương, xã vận động nhân dân phát triển mạnh đàn vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng dẫn các hộ dân lựa chọn con giống tốt, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, mỗi hộ gia đình trồng từ 1.000m2 cỏ voi trở lên làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực giúp đỡ người dân, tăng cường hỗ trợ hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tránh tình trạng “trông chờ, ỷ lại” vào sự hỗ trợ của nhà nước...

Hy vọng rằng, với những nỗ lực của chính quyền và người dân, số hộ nghèo của xã Kim Bon sẽ giảm nhanh và bền vững. Cuộc sống mới sẽ hiện hữu ở vùng đất này.

Lò Thái

(CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới