Hướng mở cho cây cam ở Mường Thải

Dẫn chúng tôi ra vườn cam rộng 2 ha mới được cấp Giấy chứng nhận VietGAP từ tháng 9/2016, ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX Văn Yên, xã Mường Thải (Phù Yên) phấn khởi, nói: Tập đoàn VinGroup vừa cử cán bộ đến kiểm tra hiện trường và quy trình chăm sóc vườn cam, sau đó, họ đã gửi hợp đồng ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của HTX trên hệ thống siêu thị của Tập đoàn ở các tỉnh. Đây là tin vui đối với HTX chúng tôi khi sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ lớn và ổn định hơn.

 

Vườn cam của gia đình ông Nguyễn Văn Ngân, bản Văn Yên, xã Mường Thải (Phù Yên)

được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP.

Với 2 ha đất trồng ngô, sắn cho thu nhập thấp, năm 2011, ông Nguyễn Văn Ngân, bản Văn Yên, xã Mường Thải (Phù Yên) về quê ở Văn Giang (Hưng Yên) mua vài trăm gốc cam về trồng thử và kết quả, cây phát triển tốt, nên mỗi năm, ông lại trồng thêm. Đến nay, vườn cam có khoảng 1.500 gốc cam đường canh, cam vinh và bưởi diễn. Năm 2016, gia đình đã thu được 70 tấn cam, với giá tại vườn là 30.000 đồng/kg, trị giá hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Năm 2017, được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh, huyện, ông Ngân vận động 4 hộ gia đình tham gia thành lập Hợp tác xã Văn Yên, với tổng diện tích 9 ha đất, trồng cam đường canh, cam vinh, bưởi diễn theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo thành hàng hóa, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Đến tháng 3/2017, tin vui đã đến, khi các cơ quan chức năng tỉnh và huyện đã giới thiệu Tập đoàn VinGroup cử cán bộ đến kiểm tra hiện trường và quy trình chăm sóc vườn cam. Sau đó, Tập đoàn đã ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của HTX.

Từ mô hình trồng cam có hiệu quả của gia đình ông Ngân, nhiều hộ trong xã đã học tập và chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi, nâng tổng diện tích cây ăn quả có múi ở xã Mường Thải lên gần 175 ha. Trong đó, có 45 ha đã cho sản phẩm và gần 130 ha trồng mới từ nguồn hỗ trợ cây giống theo Chương trình 30a và Chương trình 135, tập trung ở các bản: Khe Lành, Khoai Lang, Thải Thượng, Thải Hạ, Văn Yên, Phúc Yên... Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả có múi ở xã đã trở thành phong trào lớn với diện tích tăng nhanh. Để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng và chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn xã đã thành lập được 1 hợp tác xã với 5 hộ tham gia và 5 tổ hợp tác với gần 100 hộ. Theo kinh nghiệm của những người trồng cam ở xã Mường Thải, khi trồng cây cam trên đất dốc, bà con cần thiết kế các đường đồng mức, cải tạo đất bằng phân chuồng và phân vi sinh. Thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa cành thông thoáng, phát hiện sớm những biểu hiện của sâu bệnh để chữa trị phù hợp, giúp cây phát triển tốt. Khi cây cho quả rộ, làm hệ thống giàn đỡ để cành không bị gãy. Nếu được chăm bón đúng cách, quả cam sẽ có vị ngọt đậm và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Đinh Đức Quy, Chủ tịch UBND xã Mường Thải, cho biết: Hiện nay, khâu tiêu thụ cam trên địa bàn tương đối ổn định, chủ yếu thương lái đến mua tận vườn. Nhưng nếu không tìm kiếm thị trường ngay từ bây giờ, vài năm tới sản lượng cam trên địa bàn tăng, người trồng cam sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác là rất cần thiết, tạo thành lượng hàng hóa lớn, thuận lợi trong ký kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Thật mừng khi Tập đoàn VinGroup đã ký kết tiêu thụ sản phẩm cam của Hợp tác xã Văn Yên trong năm 2017 tại các siêu thị trong nước, mở ra cơ hội lớn cho nông sản địa phương vươn ra thị trường rộng lớn trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Mô hình trồng cây có múi ở xã Mường Thải, huyện Phù Yên rất phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở địa phương. Để quả cam đạt chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu, bà con cần học tập và áp dụng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo thành hàng hóa lớn ký kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Để giúp người trồng cây ăn quả trong tỉnh và huyện Phù Yên, hiện nay, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đang tích cực giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản ra các tỉnh thông qua các hội chợ và siêu thị. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới