Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại xã Tường Thượng (Phù Yên), xã thuộc vùng di vén lòng hồ Thủy điện Hòa Bình nên thiếu đất sản xuất - đó cũng là lý do làm cho xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều năm qua, hội viên Hội Nông dân của xã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Theo đó, đã xuất hiện một số mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Xưởng chế biến tinh bột sắn của gia đình hội viên nông dân Đinh Thị Hương.
Trao đổi với anh Lò Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tường Thượng, được biết: Hội có 13 chi hội trực thuộc với 1.000 hội viên. Những năm qua, hội đã có nhiều biện pháp, cách làm hay nhằm giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2017, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tạo điều kiện hỗ trợ cho 155 hộ hội viên nông dân vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất với 3 tổ vay, tổng dư nợ hơn 3 tỷ 82 triệu đồng; phối hợp với cán bộ khuyến nông phụ trách xã mở 14 lớp tư vấn hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và đào tạo nghề nông, thu hút hơn 1.000 lượt người tham gia. Cùng với đó, Hội còn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên đạm Ninh Bình tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật ngâm ủ mạ, nhận biết và sử dụng phân bón Urê cho cây trồng.
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của hội, nhiều hội viên, nông dân đã năng động tìm tòi, học hỏi, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình phát triển kinh tế với những giống cây trồng, vật nuôi mới được các nông hộ ứng dụng, thực hiện ngày càng nhiều. Dẫn chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Đinh Thị Hương, bản Cải, là một điển hình tiên tiến với mô hình thu gom và chế biến nông sản ngô, sắn, rong. Trên diện tích đất hơn 10.000 m2, gia đình chị đã triển khai mua máy chế biến tinh bột và xây những bể lắng để lọc và phơi tinh bột. Sắn, ngô, dong riềng sau khi được thu gom ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Bắc Yên, Phù Yên và những vùng lân cận sẽ được đưa về xưởng chế biến. Chị Hương chia sẻ: Thời điểm cuối năm 2017, giá sắn cao hơn mọi năm, giá ngô và dong riềng giảm đáng kể, riêng dong riềng giảm xuống còn nửa giá. Sở dĩ như vậy, vì thời tiết mưa, bão kéo dài, không khí ẩm nên nước trong củ nhiều, tỷ lệ tinh bột ít. Thời điểm vào vụ, xưởng của tôi tạo điều kiện cho hơn 30 nhân công làm việc với thu nhập hơn 200 nghìn/ngày công. Trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình thu về hơn 500 triệu đồng.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, hội viên nông dân các chi hội trong xã còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội thường xuyên phối hợp với các đoàn thể trong xã tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng về các chủ trương và 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, Hội đã vận động các hội viên nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tu sửa 13km đường đất; nạo vét mương phai với gần 1.500 m3 đất, đá; hiến hơn 10.000 m2 đất, đóng góp gần 200 triệu đồng và hơn 3.000 ngày công để bê tông 2,2 km đường nội bản.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tư vấn và hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; liên hệ với các đối tác, các doanh nghiệp để cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho hội viên; Đồng thời, tìm hiểu những địa chỉ tin cậy trong việc chế biến, bảo quản nông sản và bao tiêu sản phẩm cho nông dân... Tin rằng, với những hướng đi đúng đắn và nhiều biện pháp hiệu quả của Hội sẽ tạo điều kiện giúp hội viên từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Qua đó, góp phần củng cố, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!