Hiệu quả thu hút đầu tư tại huyện Phù Yên

Những ngày tháng 5, chúng tôi có mặt tại xưởng may của Công ty TNHH may Phù Yên ở bản Chát, xã Gia Phù (Phù Yên). Trong khu nhà xưởng rộng 5.000m2 sạch sẽ, thoáng mát, những công nhân đang miệt mài bên những chiếc máy may công nghiệp.

Ca sản xuất tại Nhà máy may thuộc Công ty TNHH may Phù Yên.

Từ đây, sẽ cho ra những sản phẩm may mặc đa dạng, phục vụ trong nước và xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu và Hàn Quốc. Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Đây cũng là kết quả của quá trình thu hút đầu tư tại huyện Phù Yên trong thời gian qua.

Được biết, trong những năm qua, huyện Phù Yên đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra: Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt 40 triệu đồng/năm, giải quyết gần 5.000 lao động thông qua dạy nghề và giới thiệu việc làm cho các nhà máy. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Phù Yên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn bằng các giải pháp cụ thể, như: tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đồng thời, tập trung tạo quỹ đất, mặt bằng và cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư; tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư. Đặc biệt, chú trọng tới việc tuyên truyền và hỗ trợ thanh niên trong độ tuổi lao động tham gia học nghề và giới thiệu việc làm tại các nhà máy... Ông Cầm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Đến nay, huyện Phù Yên đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp: Quang Huy, Gia Phù, thu hút được các dự án đầu tư hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động thông qua việc đầu tư của các doanh nghiệp xây dựng và đưa vào hoạt động, như: Nhà máy gạch Tuynel, Nhà máy may Phù Yên và Nhà máy giầy da Ngọc Hà... Hiện nay, huyện Phù Yên tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô các nhà máy, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Nổi bật về việc đầu tư có hiệu quả vào địa bàn huyện có Công ty TNHH may Phù Yên, thuộc Công ty cổ phần SX&TM Tâm Việt có trụ sở chính ở Hà Nội. Mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2016, đến nay, Công ty TNHH may Phù Yên đã hỗ trợ đào tạo nghề và tuyển được 600 lao động địa phương làm công nhân may của nhà máy với mức thu nhập bình quân từ 2,7 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty TNHH may Phù Yên đang sản xuất 8 sản phẩm, gồm: áo rắc két, đồng phục, bảo hộ lao động và túi siêu thị với công suất 1,5-2 triệu sản phẩm/năm, phục vụ trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ, và Châu Âu. Ông Cao Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SX&TM Tâm Việt, cho biết: Qua khảo sát đầu tư tại tỉnh, Công ty cổ phần SX&TM Tâm Việt nhận thấy huyện Phù Yên có lực lượng lao động dồi dào và có trình độ tiếp cận công việc nhanh. Cùng với đó, còn có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và huyện được công khai, minh bạch và rất cụ thể. Do vậy, Công ty đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy may Phù Yên ở xã Gia Phù với tổng giá trị đầu tư hơn 60 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất rộng 3 ha, gồm: nhà xưởng rộng 5.000 m2 với 900 máy may công nghiệp; một khu nhà bếp và hội trường rộng hơn 1.000 m2 cùng khu tường bao xung quanh. Phấn đấu đến hết năm 2017, Công ty sẽ tuyển thêm 1.000 lao động địa phương và phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh hỗ trợ dạy nghề may miễn phí cho người lao động. Sau đào tạo, người lao động sẽ được nhận làm công nhân của Công ty. Từ năm 2018 đến năm 2021, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích lên 5 ha, xây thêm nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc và phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh hỗ trợ dạy nghề miễn phí và tuyển dụng thêm từ 1.500-2.000 lao động địa phương vào làm việc tại nhà máy.

Ca sản xuất tại Nhà máy may thuộc Công ty TNHH may Phù Yên.

Là một trong những người đăng ký tham gia học nghề miễn phí và được nhận làm công nhân may đầu tiên của Công ty TNHH may Phù Yên, đến nay, chị Phùng Thị Thuyền, sinh năm 1984 ở bản Nà Mạt 2, xã Gia Phù có mức thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng và được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Công đoàn tổ 1. Chị Phùng Thị Thuyền nói: Ngày mới đi làm công nhân tại Nhà máy may Phù Yên, tôi cảm thấy công việc chưa phù hợp với mình lắm do chưa quen giờ giấc lao động công nghiệp. Nhưng sau khi làm việc một thời gian, tôi lại thấy yêu nghề vì đã thành thạo công việc và đạt mức thu nhập ổn định, lại được làm việc gần nhà và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ.

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của huyện Phù Yên đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Trong thời gian tới, huyện Phù Yên tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Đồng thời, công khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch sử dụng đất cho các doanh nghiệp lựa chọn vị trí phù hợp với ngành nghề, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ của tỉnh và huyện; tạo quỹ đất, mặt bằng và cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới