Giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất

Khác với các trường THPT lựa chọn giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua dạy các môn khoa học cơ bản, phần lớn hướng đến cung cấp kiến thức cơ bản, Trường THPT Tân Lang (Phù Yên) lại gắn hoạt động giáo dục hướng nghiệp với dự án trồng cây chanh leo (dạy nghề phổ thông), nhằm giúp học sinh khối 11 có những kiến thức về cách trồng, chăm sóc cây chanh leo. Qua đó, học sinh có thêm kiến thức về kỹ thuật sản xuất và trân trọng thành quả lao động.

Học sinh Trường THPT Tân Lang (Phù Yên) thực hành chăm sóc cây chanh leo trong giờ học nghề phổ thông.

Thầy giáo Lê Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lang, thông tin: Bám sát quan điểm đổi mới giáo dục và đào tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khắc phục việc truyền thụ kiến thức áp đặt một chiều, máy móc, chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học... Từ tháng 7/2018, nhà trường thống nhất việc gắn hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh với dự án khoa học kỹ thuật - trồng chanh leo, trên diện tích 1 ha đất trống của nhà trường. Dự án được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc hỗ trợ 50% giống và 180 kg phân bón lót NPK ban đầu; còn chi phí cột, dây thép làm giàn, 50% giống, vôi và phân chuồng hoai mục, hệ thống phun tưới, được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm, từ quỹ "kế hoạch nhỏ" của Đoàn trường và sự đóng góp, ủng hộ của  cán bộ giáo viên trong trường, với tổng kinh phí 60 triệu đồng.

Theo đó, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Bắt tay vào thực hiện, nhà trường phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng giáo viên phụ trách trực tiếp tham gia xây dựng nội dung dạy phù hợp, tăng thời lượng dạy thực hành. Đồng thời, phối hợp với cán bộ khuyến nông xã Tân Lang tổ chức dạy lý thuyết và hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc” để các em học sinh vận dụng vào thực tế tại vườn.

Tham gia hoạt động trồng cây chanh leo gắn với việc học nghề phổ thông, nghề làm vườn, các em học sinh được thực hiện tuần tự các bước cơ bản, từ khâu làm đất, thiết kế vườn trồng; trồng cây và làm giàn; chăm sóc cây sau trồng; cắt tỉa cành, lá; phòng trừ sâu bệnh, quản lý dịch hại tổng hợp; thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ. Em Sa Thị Thanh Hoa, học sinh lớp 11B, Trường THPT Tân Lang, chia sẻ: Trong các tiết học hướng nghiệp, thay vì ngồi trong lớp ghi chép, chúng em được thực hành tại vườn. Mỗi lớp được chia theo khu vực trong khuôn viên vườn cây, cùng với sự hướng dẫn tận tình của các thầy, cô giáo dạy nghề, chúng em cùng dọn cỏ, vun gốc, tưới nước, cắt, tỉa, tạo tán lá cho chanh leo. Qua tham gia mô hình, chúng em đã thành thạo việc trồng, chăm sóc cây, nhiều bạn khi về nhà còn thực hành trồng, chăm sóc vườn chanh leo giúp bố mẹ.

Qua 1 năm triển khai, cây chanh leo phát triển tốt, ra quả bói. Đến thời điểm này, nhà trường đã phối hợp với HTX nông - lâm - nghiệp Mường Cơi tổ chức cho các em học sinh thu hái, phân loại chanh leo theo các tiêu chuẩn để xuất bán cho Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc được hơn 1 tấn quả, trong đó tỷ lệ quả loại I (1 kg bằng 10 - 12 quả) chiếm hơn 60%, bán với  giá trung bình từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Số tiền thu về khoảng hơn chục triệu đồng,  nhà trường dự kiến sử dụng vào việc tu sửa lớp học.

Không chỉ góp phần cải tạo đất, tạo cảnh quan khuôn viên trường học “xanh - sạch - đẹp”, hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với dự án trồng cây chanh leo còn khơi dậy cho các em học sinh ý thức khởi nghiệp, giúp các em yêu quý, trân trọng thành quả lao động, đồng thời có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để sau này áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới