Giải pháp sản xuất, tiêu thụ chanh leo ở Phù Yên: Thắt chặt mối liên kết doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân

Chanh leo là loại cây trồng khá phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân các xã vùng Mường và vùng cao của huyện Phù Yên. Mặt khác, khi phát triển trồng chanh leo, các hộ dân còn được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc hợp đồng liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

Thành viên HTX Nông nghiệp bản Lằn phân loại sản phẩm quả chanh leo.

Do vậy, sản phẩm chanh leo đã có đầu ra tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số hộ đã không tuân thủ hợp đồng đã ký kết, gây bất lợi cho việc duy trì mối liên kết doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đây là vấn đề huyện Phù Yên đang tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ.

Trao đổi với ông Nguyễn Bá Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, được biết: Năm 2017, Phù Yên phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đưa vào trồng thử nghiệm 40 ha chanh leo tại các xã Mường Do, Mường Cơi, Tân Lang. Huyện hỗ trợ cho các hộ 100% cây giống, phân bón; Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Năm 2018, huyện tiếp tục hỗ trợ 50% cây giống và phân bón để mở rộng diện tích trồng chanh leo tại 6 xã: Mường Do, Mường Lang, Tân Lang, Mường Cơi, Mường Thải, Kim Bon. Toàn huyện hiện có gần 154 ha chanh leo, trong đó, trên 126 ha đang cho thu hoạch; diện tích đăng ký trồng mới năm 2019 gần 12 ha. Để thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm, huyện đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân, thông qua ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Song, vì nhiều lý do, việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng chưa được bà con nông dân nghiêm túc thực hiện, có nhiều hộ còn tự phá vỡ hợp đồng.

Ông Đinh Văn Oán, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lang, cho biết: 7/16 bản của xã Tân Lang trồng chanh leo, nhưng tổng diện tích chỉ 14 ha, lại chưa có nhóm hộ, tổ hợp tác, nên chúng tôi gặp khó khăn trong hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật chăm sóc, thu hái, phân loại sản phẩm. Vào vụ thu hoạch, ở đây có tình trạng thương lái vào địa bàn thu mua với giá cao hơn, nên một số hộ dân đã không thực hiện đúng cam kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, họ bán sản phẩm loại A cho tư thương, số còn lại mới bán cho Công ty. Vì sản phẩm không đạt yêu cầu, Công ty bắt buộc phải thu mua với giá thấp.

Cán bộ khuyến nông xã Tân Lang hướng dẫn bà con chăm sóc chanh leo.

Đối với những xã chưa có tổ hợp tác thì như vậy, nhưng những xã đã có tổ hợp tác mà hoạt động liên kết vẫn hết sức lỏng lẻo. Ví dụ như xã Mường Do, từ 30 ha ban đầu, đến nay diện tích chanh leo của xã đã tăng lên 80 ha, năng suất bình quân đạt 10 tấn quả/ha. Anh Hà Văn Đam, giám đốc HTX Nông nghiệp bản Lằn, chia sẻ: HTX được thành lập năm 2018 với 9 thành viên, tham gia HTX, các thành viên không những được bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng mua bán, mà còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cây trồng phát triển tốt. Tuy nhiên, do quy mô HTX chưa lớn, diện tích và vốn ít, khi giá chanh leo tăng, một số hộ đã tự ý bán sản phẩm ra ngoài để tránh phải thanh toán những khoản đầu tư ứng trước với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Điều này, đã gây không ít khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng, giảm sức hút với các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản.

Trước tình hình trên, bên cạnh việc ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhằm phát huy vai trò trong việc liên kết, cung cấp dịch vụ cho các hộ thành viên, huyện Phù Yên đã đẩy mạnh việc kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp với HTX thông qua hợp đồng hợp tác xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững. Mới đây, huyện Phù Yên đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tổ chức hội nghị ký kết bao tiêu sản phẩm chanh leo trên địa bàn huyện. Đồng thời, thống nhất các giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ sản phẩm chanh leo; tuyên truyền để các HTX, hộ trồng chanh leo hiểu rõ về vai trò, năng lực của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trong việc hỗ trợ sản xuất, thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Để tránh tình trạng bà con bán sản phẩm ra ngoài thị trường, bên cạnh cam kết về chính sách giá thu mua, cách thức phân loại, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc khuyến khích các địa phương thành lập nhóm hộ, HTX, dựa trên giá công bố của Công ty, tổ chức thu mua và thực hiện phân loại, đóng thùng theo quy cách, nhập hàng cho Công ty theo giá đã được phân loại. Bà Hoàng Việt Hà, Trưởng phòng cung ứng vật tư nguyên liệu Công ty Nafoods Tây Bắc, thông tin: Nếu như trước đây bà con nông dân còn e ngại mở rộng diện tích chanh leo do chưa có đầu ra ổn định, giá cả thất thường, hiện nay Công ty đã đưa ra mức giá bảo hiểm là 4.500 đồng/kg, còn thực hiện thu mua thì theo giá cả thị trường. Đặc biệt, thời điểm hiện tại đối với chanh leo loại A (thường chiếm khoảng 30% sản lượng) Công ty mua với giá 35.000 đồng/kg để xuất khẩu quả tươi, còn lại sẽ thu mua để chế biến xuất khẩu.

Có thể thấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là hiệu quả nhất, tuy nhiên, sự liên kết này cần chặt chẽ hơn nữa, thể hiện ở việc các nông hộ và thành viên HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt những điểu khoản trong hợp đồng ký kết với doanh nghiệp. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền huyện Phù Yên trong tuyên truyền, vận động người dân, cùng với đó, là những chính sách hỗ trợ cho các HTX về kiến thức quản lý, cũng như kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới